Chia sẻ góc nhìn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng nay (20/12), các chuyên gia đều đồng thuận rằng Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất 10 năm trong năm 2018 và có khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 7% vào năm 2019.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2007. Động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ, song theo ông Thành, đã có sự thay đổi căn bản trong cấu thành của hai bộ phận này.
"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm", ông Thành nói.
Một điểm tích cực, theo đánh giá của chuyên gia đến từ Fulbright, là việc tăng trưởng trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Thành nói và cho rằng đây là một yếu tố tích cực của năm 2018.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt trên 7% trong năm 2018 và dự báo tăng trưởng trong khoảng 6,9 - 7,1% trong năm 2019.
Theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục duy trì trên 7% trong năm 2019, đồng thời lạm phát năm tới có thể chỉ 3,6%, tương đương mức lạm phát năm nay và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Theo đại diện cơ quan này, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao như năm 2018 do Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tiềm năng của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực năm 2019 cũng có thể mang đến những tác động tích vực. Đại diện Ủy ban giám sát cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn cũng như cơ hội mới từ lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, không chỉ dựa vào đầu tư hay xuất khẩu mà tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay một phần rất lớn phụ thuộc vào tiêu dùng dân cư. Yếu tố này khi có sự thay đổi có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, diễn biến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2018, theo ông Thành, cũng là một "ẩn số" cần quan sát. "Số liệu chỉ ra rất rõ là lãi suất có xu hướng tăng vào cuối năm. Tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi điều này mang yếu tố thời vụ hay là một dấu hiệu của việc phải điều chỉnh lãi suất trong năm 2019", ông Thành nói.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)