Gánh nặng thuế phí xăng dầu với người tiêu dùng Việt Nam như thế nào?
Tăng thu 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm
Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng, các nghiên cứu cho thấy, các hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi ni lông… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Tại tờ trình lần này, Chính phủ đã đề nghị tăng kịch trần với nhiều sản phẩm, trong đó có xăng dầu. Cụ thể, Chính phủ đề nghị với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, với mức tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít…
Theo Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với các loại hàng hóa theo đề xuất là đảm bảo trong khung thuế BVMT và phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật thuế BVMT. Phương án điều chỉnh này sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Ðồng thời góp phần tăng thu ngân sách trên 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm, riêng số thu từ xăng dầu hơn 14 nghìn tỷ đồng. Từ đó tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.
Ðại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Ðức Hải cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội, Chính phủ phải làm rõ hơn về sự tác động đến hiệu quả nền kinh tế, quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường như thế nào?
Ðáng lưu ý, việc điều chỉnh tăng thuế kịch trần với xăng, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%. Chính vì thế, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc này. Hay với dầu mazut, điều chỉnh tăng 1.100 đồng/lít là cao, tác động đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, vì thế cần tăng ở mức thấp hơn.
Lo ngại nhiều tác động lớn
Cho ý kiến đầu tiên về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất kinh doanh cũng như với người dân. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế mặt hàng này sẽ tác động rất lớn đến xã hội cũng như nền kinh tế. Ðặc biệt theo ông Giàu, hiện đang là thời điểm áp dụng tăng lương, lại vào mùa mưa bão, học sinh chuẩn bị nhập học, rồi cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc… Chính vì vậy, nếu thời điểm áp dụng tăng như đề xuất của Chính phủ sẽ gây tác động rất lớn, khó kiểm soát được tình hình.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cân nhắc khi áp dụng tăng giá kịch trần với xăng dầu, vì điều này liên quan đến CPI, gây tác động lớn đến người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì quan tâm đến yếu tố hình thành giá xăng. Theo bà Nga, bản chất đây là mặt hàng thiết yếu, nếu tăng sẽ tác động ngay đến xã hội. Mặt khác, theo bà Nga, bản thân việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đã là không đúng, giờ đến thuế BVMT cần bàn kỹ thêm.
Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi tăng thuế gây tác động một chút đến lạm phát, nhưng lại có nguồn thu để chi cho nhiệm vụ BVMT thì cũng cần thiết. Tuy nhiên, bà Ngân lưu ý đến việc tăng cơ học, tăng thuế lại dẫn đến tăng giá. Khắc phục điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bản thân các doanh nghiệp xăng, dầu phải có giải pháp để tiết giảm chi phí, hạn chế thất thoát, để việc điều chỉnh thuế không làm tăng giá xăng dầu, hạn chế tác động đến xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định vấn đề này vào trong nghị quyết. Ðồng thời, các cơ quan tài chính, thuế, hải quan cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả kinh doanh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi hiện nay việc lãng phí còn rất lớn làm đội giá thành. Nếu quản lý tốt sẽ giảm bớt chuyện cứ tăng thuế là tăng giá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, bản thân các doanh nghiệp xăng, dầu phải có giải pháp tiết giảm chi phí, hạn chế thất thoát, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát, để việc điều chỉnh thuế không làm tăng giá xăng dầu.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)