Cần điều chỉnh thuế ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít?
Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới nhất đã được người đứng đầu ngành Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng ký và gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, mức thuế đối bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được Bộ Tài chính đề nghị mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít, tăng 1.000 đồng so với hiện hành. Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100-1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.
Trao đổi về dự thảo nghị quyết, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết tại Luật thuế bảo vệ môi trường đã quy định nguyên tắc xác định và xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường. “Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Hơn nữa, cũng theo tính toán của một số nhà khoa học để hoàn trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phải ở mức cao hơn”, bà Hằng khẳng định.
Về dự thảo nghị quyết này, bà Hằng cho biết đã nhận được đa số ý kiến đồng tình ủng hộ. Có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn.
Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Lào, Campuchia cũng áp thuế với mặt hàng xăng dầu để bảo vệ môi trường với các cách gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện,... Cụ thể, tỷ lệ thuế xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở tại một số nước áp dụng như sau: Hàn Quốc khoảng 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%, Nga khoảng 52%, Mỹ khoảng 53%, Thái Lan khoảng 67%.
Hiện tại, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức 37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút. So sánh tương quan với các nước, Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ thuế xăng dầu trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước.
Ông Phan Thế Ruệ, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng “Kế hoạch tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít đã có nhưng chưa có lộ trình cụ thể đến năm nào. Người dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách. Phần thu nhà nước rất quan trọng” .
Trước đó, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã nhận định, nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế BVMT đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít.
Tăng thuế xăng dầu để bù đắp hụt chi ngân sách
Những năm gần đây, do việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm mạnh. Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong năm 2018, số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu sẽ chỉ còn khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2015. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm khi mức thuế đối với mặt hàng xăng về 0% vào năm 2024 theo cam kết tại FTA trong nội khối ASEAN-ATIGA.
Ông Phan Thế Ruệ cho rằng để bù đắp nguồn thu ngân sách do thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì phải tăng thuế khác. “Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”- lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định.
Ông Phan Thế Ruệ cũng cho biết thêm Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần nêu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để góp phần bù đắp ngân sách.
Nếu điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với một số mặt hàng, bao gồm các sản phẩm xăng, dầu, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế BVMT dự kiến đạt 57.312 tỉ đồng/năm, tăng thêm 15.684 tỉ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu dự kiến 55.591 tỉ đồng/năm, tăng 14.863 tỉ đồng/năm.
Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đã được Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cho ý kiến. Trên cơ sở giải trình tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và sau khi nhận được ý kiến đồng ý thông qua của hầu hết các Thành viên Chính phủ (19/23 ý kiến). Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, thông qua dự án.
Hiện, một lít xăng đang gánh hơn 9.000 đồng các loại thuế phí, chiếm gần 50% giá xăng. Nếu đề xuất tăng thuế môi trường của Bộ Tài chính được thông qua thì con số thuế, phí sẽ tăng lên ít nhất 10.000 đồng/lít.
Việc tăng thuế xăng dầu khiến mỗi gia đình phải chi thêm ít nhất từ 20-130 nghìn đồng/tháng cho việc tiêu thụ xăng, chưa kể chi phí do giá cả hàng hóa tăng lên khi điều chỉnh giá xăng.
Theo ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương cần có lộ trình điều chỉnh một cách hợp lý và nghiên cứu kỹ tác động về mặt kinh tế của chính sách này bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sẽ tăng.