Trước thông tin nhiều ngân hàng liên tục thông báo tăng phí giao dịch ATM, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch hội thẻ ngân hàng Việt Nam cho hay chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. Và để ngân hàng bù đắp được chi phí thì mỗi giao dịch ATM phải lên tới từ 7.000 – 10.000 đồng thì ngân hàng mới đảm bảo cả chi phí, bảo trì.
Phải tăng phí lên 10.000 đồng mới bù được lỗ
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn.
Bà Mùi cho biết, mỗi giao dịch ATM hiện tốn 7.000 đồng, thậm chí lên tới 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thu 3.300 đồng của một số đơn vị. “Có nhất thiết đầu tư một ATM bao nhiêu tiền thì phải phân bổ hết vào cho người dùng?”, bà Mùi đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, ông Đào Minh Tuấn dẫn số liệu cho thấy: Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Chính thực tế này đã dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.
“Con số 7.000-10.000 đồng cho một giao dịch các ngân hàng đưa ra là đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm. Như chúng tôi có những ATM đã vận hành được 16 năm, với lượng rút tiền mặt nhiều như ở Việt Nam, việc xuống cấp là không tránh khỏi, dẫn đến chất lượng có thể đi xuống so với các nước khác”, ông Tuấn giải thích.
Ông Tuấn cho biết thêm Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1.3.2013.
Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Và thực tế, đến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng.
“Còn việc một số ngân hàng gần đây đồng loạt tăng phí dịch vụ, việc này đã được tính toán trong lộ trình từ 5-6 năm trước”, ông Đào Minh Tuấn khẳng định.
Tài khoản ATM bốc hơi, ngân hàng vẫn tăng phí
Trên thực tế, thời gian gần đây một số ngân hàng lớn như Agribank, Eximbank... đồng loạt tăng phí dịch vụ. Gần đây nhất, Agribank thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT) từ ngày 12.5. Bên cạnh đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng được ngân hàng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Dù tăng nhưng mức phí của Agribank vẫn dưới mức trần quy định. Hơn nữa, việc tăng thêm vài trăm đồng “không đáng kể”, chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ chi phí. Dù vậy, việc tăng phí của Agribank sau sự cố nhiều tài khoản bị mất tiền trong đêm vừa xảy ra khiến không ít khách hàng bức xúc.
Giải thích về quyết định tăng phí, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng đã dự kiến tăng từ khá lâu nhưng nay mới thực hiện vì đã gánh vác chi phí đến mức độ giới hạn.
"Ngân hàng Nhà nước cho mức trần là 3.300 đồng/giao dịch nhưng thời gian qua các ngân hàng, trong đó có Agribank, vẫn duy trì mức phí sau thuế là 1.100 đồng/giao dịch. Dù tăng nhưng mức phí của Agribank vẫn dưới mức trần quy định. Hơn nữa, việc tăng thêm vài trăm đồng "không đáng kể", chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ chi phí", bà Phượng nói.
Ghi nhận thực tế, thời gian qua nhiều ngân hàng đã tăng nhiều loại phí. Từ tháng 3.2018 đến nay, Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh một số loại phí, như nâng mức phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng, mức phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng sẽ là 5.500 đồng/lần, thay vì áp mức phí chung là 3.300 đồng/lần chuyển khoản nội mạng (không phân biệt số tiền trên hay dưới 50 triệu đồng)... Ngoài ra, ngân hàng này cũng lần đầu áp dụng thu phí quản lý tài khoản thanh toán với mức 2.200 đồng/tháng...
Eximbank cũng thu phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống và khác địa phương là 0,05% số tiền. VIB cũng bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ trước đây được miễn phí.
Cùng với những thông tin về phí dịch vụ thẻ, chia sẻ về độ an toàn bảo mật ngân hàng, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước, cho hay Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp.
Trên thế giới, ngành ngân hàng, tài chính, thời gian qua trên khắp thế giới cũng đã xảy ra nhiều sự kiện mất an toàn, một số vụ điển hình như NHTW (Ngân hàng Trung ương) Bangladesh bị mất 81 triệu USD qua hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT vào tháng 2.2016, NHTW Ecuador bị tấn công tương tự mất 9 triệu USD, một ngân hàng Nam Phi mất 13 triệu USD qua ATM vào tháng 5.2016; ngân hàng tại Đài Loan bị đánh cắp 2,2 triệu USD qua ATM vào tháng 7.2016; một ngân hàng Thái Lan mất khoảng 350 nghìn USD do máy ATM bị cài mã độc vào tháng 8.2016.
Tháng 11.2016, Tesco Bank đã phải tạm ngưng các giao dịch ngân hàng trực tuyến sau khi bị tội phạm mạng ăn cắp tiền từ 20.000 tài khoản khách hàng.
Tại Việt Nam, nhận thức và hành vi của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập mạng thì người dùng Việt Nam vẫn còn rất yếu; 60% người dùng trên thế giới khi được hỏi thì đều có nhận thức việc mất an toàn là do bản thân, nhưng tại Việt Nam chỉ có gần 11% người dùng nhận biết được điều này.
Đối với ngành ngân hàng Việt Nam, theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa-Mastercard, năm 2017 Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, chỉ khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới.
Theo Nguyễn Ngân (Dân Việt)