Tài khoản ngân hàng gánh chục loại phí: Không giao dịch cũng mất tiền

05/03/2018 20:02:19

Đầu năm 2018, nhiều ngân hàng vừa ra quyết định khiến nhiều khách hàng phản ứng khi thu phí chuyển tiền đối với các giao dịch.

Trong quá trình chuyển đổi sang bán lẻ, các ngân hàng ngày càng “rất tích cực” thu nhiều loại phí khác nhau. Một tài khoản ngân hàng đang phải gánh hàng chục khoản phí. Khi giao dịch, bạn mất phí cho từng lần nhưng khi cả tháng trời không giao dịch gì bạn cũng mất tiền hàng chục ngàn đồng.

Thêm dịch vụ là thêm phí

Không chỉ quyết định mới đây của Vietcombank mà mỗi khi 1 ngân hàng nào có thay đổi phí đều có nhiều ý kiến khác nhau. Gần đây nhất là việc thu phí rút tiền ATM cũng bị phản ứng như thế. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ngân hàng đều thu phí đối với các giao dịch tài khoản của khách hàng, chỉ khác là mức thu khác nhau.

Tài khoản ngân hàng gánh chục loại phí: Không giao dịch cũng mất tiền
Một tài khoản ‘gánh’ đủ loại phí

Khảo sát tại website cũng như điểm giao dịch của các ngân hàng đều có niêm yết và công bố bảng phí đối với các loại dịch vụ. Khách hàng đang bị thu “hằng hà sa số” các loại phí, dưới nhiều tên gọi.

Đầu tiên phải xuất phát từ dịch vụ tài khoản. Các ngân hàng đang có chính sách rất khác nhau đối với loại phí này. Qua tham khảo, đa phần các ngân hàng đều thu phí dịch vụ quản lý tài khoản, trung bình khoảng 10.000 đồng/tháng và hàng tháng, khách bị trừ rất đều đặn.

Kèm theo đó là các tiện ích như phát hành thẻ thanh toán nội địa để rút tiền, giao dịch tại cây ATM, thông báo số dư qua SMS điện thoại, rồi giao dịch qua Internet,... Đương nhiên, tất cả các loại hình này đều có thể bị thu phí duy trì, tuỳ chính sách của từng ngân hàng.

Thậm chí, các ngân hàng còn “rất tích cực” phát triển các ứng dụng để tăng tiện ích cho khách hàng, đương nhiên tiện thể thu phí luôn.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, một khách hàng sử dụng dịch vụ tài khoản và thẻ của ngân hàng cho biết, cho biết, hàng tháng anh bị thu trung bình: 11.000 đồng phí quản lý tài khoản, 11.000 phí SMS banking, 11.000 phí duy trì dịch vụ chuyển tiền qua ứng dụng,... như vậy trung bình định kỳ một tháng anh mất đứt 33.000 đồng kể cả khi không giao dịch gì. Chưa kể, mỗi lần chuyển tiền cùng ngân hàng qua Internet banking là 2.200 đồng/giao dịch, liên ngân hàng 11.000 đồng/giao dịch, rút tiền từ ATM 3.300 đồng/lần.

Như vậy, có thể thấy, không nhiều thì ít, khách hàng đều đặn phải trả những khoản phí cho các ngân hàng. Tất nhiên, về nguyên lý, sử dụng dịch vụ cần phải trả phí, bởi các ngân hàng đều phải đầu tư công nghệ với kinh phí tương đối lớn.

Cứ có tài khoản là đều đặn mất tiền

Một điểm trùng hợp là, nếu nhìn vào bảng tổng hợp, các ngân hàng dẫn đầu về việc thu nhiều và thu cao các loại phí đều nằm trong top những ngân hàng lớn nhất hiện nay kể cả quốc doanh lẫn cổ phần

Đây là những ngân hàng có thị phần tương đối lớn, cung ứng các dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích trên chục năm nên có số lượng khách hàng lớn. Ngoài ra, các ngân hàng này có lượng lớn khách hàng là các tổ chức doanh nghiệp, đơn vị nhà nước sử dụng dịch vụ đổ lương, từ đó gia tăng nhanh số lượng khách hàng cá nhân sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản. Vô hình chung, sau một vài năm, lợi thế này lại gia tăng khi rất nhiều tài khoản cá nhân dễ dàng sử dụng các dịch vụ “nội mạng” của cùng một ngân hàng.

Tài khoản ngân hàng gánh chục loại phí: Không giao dịch cũng mất tiền - 1
Trước đây, rút tiền tại cây ATM không mất phí thì giờ khách hàng đã bị thu (ảnh Quang Phúc)

Điều đặc biệt, với chính sách miễn phí trước đó, khách hàng đã tương đối quen thuộc, và dần thích nghi với việc chuyển đổi, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền quan Internet,... Mọi thứ đi vào ổn định, lúc này các ngân hàng bắt đầu ra tay thu phí. Với tiện ích, sự thuận lợi nên dù có thu phí thì khách hàng cũng khó từ bỏ.

Chiến lược này đã từng được áp dụng rất thành công với các ứng dụng trước đây. Đầu tiên là dịch vụ ATM với những năm đầu miễn phí, rồi bắt đầu thu phí dịch vụ rút tiền liên ngân hàng, bây giờ thì rút tiền cùng hệ thống, nhiều ngân hàng cũng thu phí ráo. Rồi dịch vụ SMS banking cũng miễn phí những ngày đầu, sau đó cũng bắt đầu thu. Và hiện tại, chiến lược này có lẽ đang áp dụng đúng cho các dịch vụ Internet banking, các dịch vụ chuyển tiền.

Đương nhiên, phải xét đến yếu tố chi phí, do quy mô khách hàng lớn, các ngân hàng cũng phải mở rộng cơ sở, thiết bị, gia tăng chi phí nên không thể cung cấp mãi dịch vụ miễn phí cho một số lượng quá lớn người sử dụng.

Hiện tại, một số ngân hàng nhỏ khi “chập chững” chuyển đổi, gia nhập thị phần thanh toán cũng đang vẫn duy trì các chính sách miễn phí các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, miễn phí duy trì Internet banking,... Nhưng tương lai, việc thu phí không ai dám chắc. Và đương nhiên, trong danh mục các ngân hàng miễn phí nhiều dịch vụ tiện ích liên quan đến tài khoản còn có cả những ngân hàng cũng thuộc hàng top, nên việc thu phí còn phụ thuộc vào chiến lược của các ngân hàng.

Theo Nguyễn Thanh Ngọc (VietNamNet)