Tại sao 'vua thép' Trần Đình Long chi gần 1.000 tỷ lập công ty điện máy cạnh tranh trực tiếp với Sunhouse và Asanzo?

23/09/2021 17:36:23

Không lâu sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty CP Nội thất Hòa Phát và rút chân ra khỏi mảng nội thất, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực mới với mảng điện máy gia dụng.

"Vua thép" Hòa Phát chi gần 1.000 tỷ lập công ty điện máy gia dụng

Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông báo quyết định HĐQT góp vốn thành lập Công ty cổ phần Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Hòa Phát góp 999 tỷ đồng, tương ứng 99,9% vốn điều lệ doanh nghiệp mới.

Theo đó, ngành nghề kinh doanh chính của thành viên mới nhất này là đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng. Trụ sở chính Công ty CP Điện máy Gia dụng Hòa Phát đặt tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

HĐQT Hòa Phát cũng ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó Tổng giám đốc tập đoàn, quản lý phần vốn góp của Hòa Phát tại Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát.

Trước đó, báo cáo của Hòa Phát cho biết công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,6% cổ phần tại Công ty Nội thất Hòa Phát cho Công ty CP Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ của Công ty Nội thất Hòa Phát là 398,4 tỷ.

Trước khi rút chân hoàn toàn khỏi mảng nội thất để lấn sân sang mảng điện máy gia dụng, "vua thép" đã ghi nhận khoảng 498 tỷ đồng tiền lãi từ thương vụ này.

Tại sao 'vua thép' Trần Đình Long chi gần 1.000 tỷ lập công ty điện máy cạnh tranh trực tiếp với Sunhouse và Asanzo?
Tập đoàn Hòa Phát lấn sân sang lĩnh vực điện máy gia dụng.

Có thể thấy, việc mở rộng ngành nghề kinh doanh mới này khẳng định Hòa Phát sẽ chính thức nhảy vào thị trường điện gia dụng, thẳng mặt cạnh tranh với những doanh nghiệp trong nước như Sunhouse, Asanzo hay Panasonic hay LG của nước ngoài.

Nhưng, thực chất tập đoàn của "vua thép" cũng đã mon men đặt chân vào lĩnh vực này từ lâu.

Bước đi cần chinh phục của "vua thép" để trở thành tập đoàn đa ngành nghề?

Tính đến 30/6/2021, Hòa Phát có 4 công ty con cấp 1 bao gồm Công ty CP Gang thép Hòa Phát; Công ty CP Sản thẩm thép Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Mỗi công ty con này đang quản lý và vận hành một mảng kinh doanh của tập đoàn.

Trong nhóm công ty con cấp 2 thuộc Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát cũng có công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát thành lập năm 2001, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 99,7% vốn thuộc sở hữu Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát. Lĩnh vực chính là chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki.

Bước đi này nằm trong chiến lược khép kín chuỗi giá trị thép của nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á từ hạ nguồn tới thượng nguồn, từ khai thác quặng, sản xuất phôi thép, thành phẩm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) - đầu vào cho ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao như chế biến chế tạo cơ khí, ô tô, sản phẩm gia dụng tủ lạnh, điều hòa, lò nướng, máy rửa bát…

Tại sao 'vua thép' Trần Đình Long chi gần 1.000 tỷ lập công ty điện máy cạnh tranh trực tiếp với Sunhouse và Asanzo? - 1
Sản phẩm máy lạnh của Tập đoàn Hòa Phát.

Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, Hòa đã mua thành công mỏ quặng sắt tại Úc trữ lượng ước tính 320 triệu tấn quặng sắt, công suất khai thác 4 triệu tấn/năm và vẫn tiếp tục tìm mua một số mỏ sắt mới tại Úc nhằm đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt trong dài hạn, tương đương 10 triệu tấn/năm. Đặc biệt, Hòa Phát mua cả đội tàu để chở quặng khai thác về Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực điện máy – đồ gia dụng đó, Hòa Phát cũng lên kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất container. Nhà máy sản xuất container của Hòa Phát đặt tại Vũng Tàu, dự kiến đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2022.

Đây được đánh giá là sản phẩm mới chưa có doanh nghiệp tại Việt Nam từng làm trước đây. Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam hiện sản xuất được loại thép này.

Vì vậy, việc đa dạng hóa ngành nghề là con đường bắt buộc mà Tập đoàn sản xuất gang thép hàng đầu Việt Nam phải chinh phục bởi họ đã chiếm được thị phần gang thép lớn trong nước, nên cần tìm động lực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh tiêu thụ thép xây dựng xuống thấp nhất 5 năm, HPG vẫn ghi nhận sản lượng bán hàng trong tháng 8/2021 đạt 690.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 15% so với tháng trước.

Cụ thể, tiêu thụ thép xây dựng giảm 17% xuống 268.000 tấn, tuy nhiên được bù đắp bởi sản lượng HRC đạt 273.591 tấn, mức cao nhất kể từ khi Hòa Phát cung ứng HRC ra thị trường. Lũy kế 8 tháng, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 37%, cao hơn 9% so với thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân là diễn biến thị trường thép thuận lợi cùng việc lò cao số 4 đi vào vận hành ngay đầu năm, đánh dấu việc toàn bộ dự án Dung Quất hoàn thành sau 4 năm triển khai.

Còn xét về hoạt động kinh doanh chung, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 16.723 tỷ, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Lợi nhuận hợp nhất 2 quý đầu năm của tập đoàn đạt 16.751 tỷ đồng, tăng 156%.

Theo kế hoạch năm nay, Hòa Phát dự kiến doanh thu cả năm đạt khoảng 120.000 tỷ và lợi nhuận 18.000 tỷ đồng, đều tăng hơn 30% so với năm liền trước.

Như vậy, dù mới chỉ bước qua nửa năm, nhà sản xuất thép này đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 93% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)