Báo cáo phân tích công bố hồi tháng 4/2021 của VnDirect về tập đoàn Hòa Phát với đề tựa mỹ từ “Khi triều dâng” cùng triển vọng tích cực cả ngắn hạn và dài hạn. Tới thời điểm tháng 6/2021 khi cổ phiếu Hòa Phát đạt đỉnh lịch sử, những cổ đông của tập đoàn này chắc đã hài lòng về cơn sóng lớn thời gian qua. Nếu ai nắm giữ cổ phiếu Hòa Phát đầu tháng 3/2020 thì giá trị tài sản đã tăng gần 5 lần sau hơn 1 năm khi cổ phiếu đạt đỉnh hồi tháng 6 vừa qua.
Việc cổ phiếu thăng hoa cũng phản ánh phần nào chiến lược kinh doanh đúng hướng cũng như những yếu tố thiên thời địa lợi ủng hộ Hòa Phát.
Thiên thời
Ông Tuấn Võ, phó giám đốc đầu tư của Dragon Capital từng nhận xét trên tạp chí Forbes về Hòa Phát như sau: “Hòa Phát đứng trước thiên thời, địa lợi, nhân hòa để bứt tốc trở thành công ty thép tầm cỡ khu vực, nằm trong nhóm 25 công ty thép lớn nhất thế giới”.
Báo cáo thường niên của tập đoàn này cũng cho biết năm 2020 là năm ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất của Hòa Phát. Lợi nhuận sau thuế cả năm của Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch đề ra, tăng 78% so với cùng kỳ và cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu đạt trên 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và gấp 6,3 lần sau 10 năm (so với năm 2010).
Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Doanh thu nhóm này tăng trưởng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Sản phẩm Tôn Hòa Phát tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ tới gần 150% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép rút dây, mạ dây, thép thanh dự ứng lực (PC Bar) đạt 100.000 tấn, xuất khẩu 30.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Xét về yếu tố thiên thời, Trung Quốc - nơi sản xuất một nửa lượng thép trên thế giới trong năm 2020 chuyển dịch các nhà máy lớn ra ven biển và đóng cửa một số nhà máy có công nghệ lạc hậu nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó từ giữa năm 2020, Trung Quốc liên tục tung ra các biện pháp kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Trung Quốc phải nhập khẩu 38,5 triệu tấn thép, tăng 150%.
Không chỉ giảm nguồn cung từ Trung Quốc, giá nguyên vật liệu sản xuất thép trên thế giới cũng liên tục tăng vọt. Đầu tiên là giá quặng sắt đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Giá quặng sắt đã tăng mạnh trong tháng 12/2020, từ mức chỉ 115 USD/tấn tại thời điểm đầu tháng 4/2021 đã tăng lên mức 140 USD/tấn khi kết thúc năm, mức cao nhất kể từ năm 201, theo thống kê của VnDirect. Giá quặng sắt sau đó đã tiếp tục tăng và đạt mức trung bình 159,9 USD/tấn trong quý 1/2021. Giá than cốc cũng tăng mạnh do bất ổn trong giao thương mặt hàng này giữa Trung Quốc và Australia.
Giá thép Việt Nam do đó tăng mạnh theo xu hướng giá thép thế giới. Tính từ đầu tháng 4, Hòa Phát đã bốn lần điều chỉnh giá bán thép, với tổng mức tăng 7,8% đối với thép cuộn và tăng 9,7% đối với thép thanh. Do đó, giá bán trung bình (ASP) của thép xây dựng HPG đã tăng 12% so với đầu năm.
Địa lợi
Báo cáo thường niên năm 2020 Hòa Phát đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tối ưu hệ sinh thái và vai trò của thép cuộn cán nóng (HRC).
Lượng đơn đặt hàng HRC giao trong quý 1/2021 đã vượt 300% năng lực sản xuất của Tập đoàn. Sản lượng sản xuất xây dựng tới các thị trường như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Sri Lanka. Riêng sản lượng phôi xuất sang Trung Quốc cao gấp 12 lần so với 2019. Sản lượng tiêu thụ thép ấn tượng là nhân tố chính giúp cho Hòa Phát đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2020, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.
Từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 8 triệu tấn/năm. Nếu không tính nguồn cung từ Formosa, trước đây Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu thép cuộn cán nóng, sản phẩm trung gian quan trọng trong chuỗi giá trị ngành thép. Sản phẩm mới này hứa hẹn mở ra sự phát triển của Hòa Phát khi có thể tham gia sản xuất thép kỹ thuật cao trong nhiều ngành công nghiệp.
Tự chủ công nghệ sản xuất HRC chính là miếng ghép hoàn hảo tạo nên nền tảng vững vàng cho hệ sinh thái các sản phẩm thép chất lượng cao khác mà Hòa Phát có thể sản xuất như thép cơ khí chế tạo, vỏ container rỗng…Trong báo cáo thường niên, tỷ phú Trần Đình Long cũng khẳng định, HRC giúp chuỗi sản xuất của Hòa Phát được nối dài và ngày càng tối ưu, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, cổ đông và xã hội.
Không chỉ vậy, Sản lượng thép thô cao chính là cơ sở để Hòa Phát củng cố, nâng cao thị phần thép xây dựng, đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép, đồng thời cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) cho thị trường.
Nhân hòa
Nói về nhân hòa, Hòa Phát vốn nổi tiếng với bộ máy nhân sự nội bộ có sự đồng lòng từ khi thành lập. Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long từng nói rằng có một điều may mắn là ban lãnh đạo Hòa Phát trạc tuổi nhau, học cùng nhau, chơi với nhau từ thuở hàn vi, nên rất hiểu nhau.
Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, khi Hòa Phát tăng trưởng vượt bậc đưa ông Long lên vị trí giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán thì những đồng đội của ông cũng lot top 100 người giàu nhất. Những lão tướng như Trần Tuấn Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Ngọc Quang, Doãn Gia Cường, Hoàng Quang Việt, Nguyễn Việt Thắng đều sở hữu khối tài sản ít nhất là gần 500 tỷ đồng.
“Anh em bạn bè thường nói tôi là chủ tịch nhàn nhất thế giới vì có thời gian ăn sáng, cà phê đầy đủ, trưa lại ngồi cà phê với bạn bè, tối lại về nhà ăn cơm với gia đình, tuần đi chơi golf được 2 lần.
Được như thế là do thế hệ lãnh đạo kế cận mà chúng tôi hay gọi là F1, F2 đã có quá trình được bồi dưỡng, phát triển đầy đủ năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm và có bản lĩnh kinh doanh”, ông cho biết.
Hiện tại Hòa Phát cũng đặc biệt đào tạo đội ngũ kế cận kinh qua từ những việc nhỏ nhất có thời gian dài gắn bó với công ty và “ngấm” văn hóa công ty.