Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ, tăng 23,1% so với năm 2019.
Đây là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch và các ngân hàng cũng phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19. Giúp Techcombank chiếm top 3 các ngân hàng lợi nhuận cao nhất 2020, vượt 2 tên tuổi quốc doanh lớn là BIDV và Agribank.
Một điểm đáng ghi nhận là tỷ lệ nợ xấu của Techcombank giảm mạnh xuống mức 0,5% (trên dư nợ cho vay), so với mức 1,3% hồi đầu năm và Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống NHTM.
Cùng với hoạt động kinh doanh ấn tượng, giá cổ phiếu TCB cũng tăng hơn gấp đôi, có lúc lên trên 35.000 đồng/cp, giúp khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh tăng thêm khoảng 1 tỷ USD trong vòng 1 năm.
Theo Forbes, tính tới hết 27/1 cho dù thị trường giảm chung và cổ phiếu TCB cũng giảm theo và mất khoảng 7-8% trong 3 phiên nhưng ông Hồ Hùng Anh vẫn có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu có giá trị 1,9 tỷ USD.
Techcombank là một ngân hàng có hoạt động khá tốt, thu nhập lãi thuần trong 2020 đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh, 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng 28,8% so với năm 2019.
Những ngày trước Tết, nhiều ngân hàng cũng báo lãi cao, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) của nhà bà Nguyễn Thị Nga cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 2020 ấn tượng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019; tỷ lệ ROE là 11,06%; tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 33,2%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của SeABank chỉ ở mức 1,86%.
Trong năm 2020, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên gần 12.088 tỷ đồng, trở thành một trong 13 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam và được chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán SSB trên HOSE trong Quý I/2021.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hoàn thành vượt kế hoạch trong năm 2020 với lợi nhuận trước thuế 5.818 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2019. Nợ xấu ở mức thấp, 0,93%.
HDBank của bà Thảo ghi nhận từ dịch vụ tăng 51,8% so với cùng kỳ 2019. Mảng kinh doanh bảo hiểm ngay sau khi được tái khởi động đã đạt kết quả rất tích cực. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 20,6% và 1,7%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của nhà ông Trần Hùng Huy cũng báo lãi trước thuế gần 9.600 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 27,7% so với năm 2019. Nhiều mảng kinh doanh có tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm qua: lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 121% đạt 166 tỷ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 13,5 lần đạt 732 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 60% đạt 687 tỷ đồng. Nợ xấu cuối năm 2020 tại ACB là 1.840 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,6%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) sáng nay 28/1, VN-Index tiếp tục sụt giảm mạnh hơn 50 điểm xuống dưới ngưỡng 1.050 điểm trong bối cảnh có nhiều tin xấu và áp lực call margin tăng vọt. Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và VN-Index có thể sẽ sớm cân bằng tại mức 1.070 điểm. Đồng thời, đồ thị giá của các chỉ số chính giảm về gần vùng quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong vài phiên tới. Đồng thời, chỉ báo tâm lý giảm mạnh vào vùng bi quan cho thấy rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, VN-Index giảm 38,95 điểm xuống 1.097,17 điểm; HNX-Index giảm 7,03 điểm xuống 220,79 điểm. Upcom-Index giảm 1,96 điểm xuống 74,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 19,3 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)