CTCK Pinetree Securities trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa công bố thông tin doanh nghiệp này vừa được Công ty Chứng khoán mẹ Hanwha Investment & Securities của Hàn Quốc bơm vốn lên thành hơn 1000 tỷ đồng.
Đây là một động thái đã được dự đoán từ trước trong bối cảnh hầu hết các công ty chứng khoán hoạt động tại Việt Nam ghi nhận một năm thắng lợi với doanh thu tăng mạnh nhờ giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đột biến. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, với giá trị mỗi phiên lên tới gần 1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 4-6 nghìn tỷ đồng/phiên trước đó.
Việc nâng vốn giúp các công ty chứng khoán có nguồn vốn dồi dào để mở rộng danh mục cho vay margin, một hoạt động mang lại lợi nhuận cao.
Như vậy, Tập đoàn Hanwha - một tập đoàn kinh tế lớn thứ 7 tại Hàn Quốc - đã có thêm những bước mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư, ông lớn Hàn Quốc tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chứng khoán với sự xuất hiện ngày càng mạnh của Pinetree Securities.
Đây chính là Công ty Chứng khoán HFT mà Hanwha Investment & Securities đã hoàn tất thâu tóm 90% hồi tháng 5/2019 vừa qua nhằm thúc đẩy đầu tư các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam với định hướng trở thành CTCK chuyên về kỹ thuật số hàng đầu ở Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, Hanwha Investment & Securities là một trong những CTCK hàng đầu. Tuy nhiên, quyết định mở rộng sang Việt Nam được xem là “động lực tăng trưởng mới bởi tiềm năng tăng trưởng cao của thị trường Việt Nam”.
Trước đó, một loạt các ông lớn đã nhảy vào lĩnh chứng khoán Việt Nam như KB Financial Group Inc thâu tóm Chứng khoán Maritime (MSI) và sau đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Bên cạnh đó, một loạt các CTCK vốn Hàn Quốc khác cũng đã xuất hiện tại Việt Nam như: Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).
Sự xuất hiện của các CTCK Hàn Quốc đã giúp TTCK thêm sôi động và gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với các CTCK nội, vốn xuất hiện ngay từ đầu và đang ở top đầu trên thị trường.
Tất cả các CTCK có vốn Hàn đều có trụ cột đằng sau là các tập đoàn lớn và đều tăng vốn nhanh chóng sau khi thâu tóm CTCK Việt.
Cuối tháng 9/2019, Chứng khoán Mirae Asset đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng với nguồn vốn đến từ công ty mẹ Mirae Asset Securities và trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. KBSV và KIS cũng đã tăng vốn lên gần 1,7-1,9 ngàn tỷ đồng, đều lọt top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất.
Trong một dự báo vừa đưa ra, Chứng khoán Yuanta dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.705 điểm trong năm 2021. Theo đó, nhờ sự hỗ trợ từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới nên P/E của thị trường có thể sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử là 22.5x.
CTCK Yuanta Việt Nam đã có những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế. Dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là một trong ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng dương 2,91%.
Theo Yuanta, sự tích cực sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021 và nền kinh sẽ đạt được những thành tựu đáng kể. GDP năm 2021 sẽ tăng khoảng 6,56% và Q1/2021 tăng khoảng 5,62%. Dòng vốn ngoại, trong đó có Hàn Quốc tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Một loạt các quỹ đầu tư Hàn cũng đã vào Việt Nam trong vài năm gần đây như Quỹ Korea Investment Management Co., Ltd (KIM) với quy mô danh mục đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. KEB Hana Bank rót 20,3 ngàn tỷ đồng vào mua 15% vốn Ngân hàng BIDV. SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào VinGroup với tỷ lệ sở hữu khoảng 6,1%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index ở quanh ngưỡng 1.180 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BVSC, VN-Index dự báo tiếp tục gặp khó khăn khi thử thách vùng kháng cự 1200-1220 điểm. Vùng kháng cự tâm lý này sẽ tiếp tục tạo ra lực cản đối với xu hướng đi lên của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã vào trạng thái quá mua. Đồng thời, nếu chỉ số xuyên thủng mức 1179 điểm thì rủi ro điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này. Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/1, VN-Index tăng 1,35 điểm lên 1.187,4 điểm; HNX-Index giảm 0,22 điểm xuống 222,27 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 77,75 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 19,7 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)