Trong bài viết trên Project Syndicate, Kenneth Rogoff, Giáo sư tại ĐH Harvard, nhận định suy thoái kinh tế, sớm hay muộn, là không thể tránh khỏi tại Trung Quốc. Và khi điều này xảy ra, gần như chắc chắn một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ được khuếch đại với sự trợ lực từ đòn bẩy kinh tế.
Ông đặt câu hỏi: Phần còn lại của thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng nóng lên, đây không còn là câu hỏi dành cho những lúc “trà dư tửu hậu”.
Nghịch lý lãi suất
Trước hết, hiệu ứng trên thị trường tài chính quốc tế có thể lớn hơn nhiều so với những mối liên hệ đến thị trường tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hoảng loạn của giới đầu tư toàn cầu có thể vì mối đe dọa đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tại quốc gia này. Một cú đánh vào tăng trưởng Trung Quốc sẽ càng làm tình hình tồi tệ hơn.
Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn nhất, nhưng các công ty nước ngoài vẫn được hưởng lợi nhuận khổng lồ về doanh số bán hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới (một phần lớn hàng hóa sản xuất được nhập khẩu đến Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung gian để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu).
Giáo sư Kenneth Rogoff nhận định giới đầu tư ngày nay quan ngại về việc tăng lãi suất không chỉ tăng áp lực lên tiêu dùng và đầu tư mà còn làm giảm giá trị thị trường của các công ty, đặc biệt là các công ty công nghệ cao. Vì việc định giá phụ thuộc phần nhiều vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Trước đây, mọi người tiếp cận theo hướng: nếu bất kỳ nền kinh tế nào tăng trưởng chậm lại, tổng cầu trên thế giới sẽ giảm đi, do đó gây áp lực hạ lãi suất toàn cầu. Thế nhưng điều này không còn đúng hoàn toàn với hiện tại. Thực tế đã chứng minh tỷ lệ tiết kiệm cao của châu Á trong hai thập niên vừa qua như một nhân tố quan trọng dẫn đến mức lãi suất thấp (sau khi điều chỉnh lạm phát) tại cả Mỹ lẫn châu Âu.
Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ben Bernanke, cho rằng sự suy thoái lan rộng ra khắp châu Á từ Trung Quốc có thể nâng cao lãi suất toàn cầu thay vì làm ngược lại. Điều này hoàn toàn khả thi, nhất là khi viễn cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lần thứ 2 kéo theo sự sụt giảm mạnh về dữ trự của các ngân hàng trung ương trở thành sự thật. Vì thế, sự suy thoái tại quốc gia 1,4 tỷ dân này có thể được xem như khởi nguồn của những hệ quả đối với thị trường kinh tế thế giới.
Sức ảnh hưởng toàn cầu
Việc giảm xuất khẩu sang Trung Quốc có thể phương hại đến nhiều quốc gia, và sự tăng đáng kể lãi suất toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
Khi các nước tiên tiến dính vào khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm, thị trường mới nổi phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ vào mức nợ thấp và giá cả hàng hóa cao. Tuy nhiên, giờ đây mức nợ đã gia tăng nhanh chóng, thêm vào đó sự leo thang của lãi suất thế giới, sẽ kéo dài thêm những cuộc khủng hoảng đang tích tụ.
Không chỉ những quốc gia đã bị ảnh hưởng (bao gồm Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ), chúng được dự báo sẽ bao phủ thêm nhiều quốc gia khác
Và Mỹ cũng không nằm trong vùng loại trừ. Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào là mối đe dọa làm suy yếu sự đột phá trong nền kinh tế Mỹ. Cũng giống như những đạo luật mà ông Trump đã tự hào loại bỏ, cuộc chiến này ít nhất đã cản trở tăng trưởng Mỹ.
Trì hoãn cuộc suy thoái
Tin vui là dường như các cuộc đàm phán thường chỉ khó khăn cho đến cận phút chót. Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước khi đạo luật thuế quan của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm sau.
Một thỏa thuận như vậy phần nào sẽ phản ánh thái độ nghiêm túc của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ, tương tự như những gì xảy ra với Mỹ trong thể kỷ 19. Trong những năm tháng phát triển thịnh vượng của mình, các doanh nhân Mỹ đã ít khi nghĩ đến bản quyền trí tuệ từ Anh quốc.
Một cuộc suy thoái ở Trung Quốc, được khuếch đại bởi một cuộc khủng hoảng tài chính, sẽ tạo nên chặng thứ ba trong chu kỳ nợ đã bắt đầu ở Mỹ năm 2008 và chuyển sang châu Âu vào năm 2010. Tính đến nay, chính quyền Trung Quốc đã khá cố gắng trong việc trì hoãn sự suy thoái không thể tránh khỏi.
Thật không may, khi cuộc suy thoái đến, thế giới mới có thể nhận thức rằng nền kinh tế Trung Quốc quan trọng đến thế nào.
Theo Minh Đức (Tri Thức Trực Tuyến)