Quy định “treo” gần thập kỷ bỗng chốc áp dụng sẽ gây mất công bằng
Thực tế là việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định “chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử tối đa 1.5 giây” đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP chứ không phải đến khi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ban hành mới có.
Bộ VH-TT&DL, đơn vị chủ trì soạn thảo các văn bản này cho hay các điều khoản của Nghị định mới đã làm đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dẫu vậy, không phải tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách cũng biết đến các dự thảo trong quá trình được lấy ý kiến. Nói như ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM thì có những cơ quan báo chí còn chưa được hỏi ý kiến.
Việc quy định đã có từ năm 2013 mà nhiều cơ quan báo chí không biết có thể được lý giải là do thực tế quảng cáo đã diễn ra không đúng như quy định. Như vậy quy định đặt ra nhưng không được thực thi, báo chí làm sai từ lâu mà không xử lý nghĩa là luật đã bất cập từ khi mới ban hành. Sau đó bất ngờ đem ra áp dụng sẽ gây bất công bằng với quảng cáo trên các loại hình điện tử khác.
Thời gian 1,5 giây không hợp lý
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu quảng cáo thu hút sự chú ý trong 5 giây đầu tiên độc giả sẽ quyết định xem tiếp hay không.Nghiên cứu về quảng cáo video của Facebook và Nielsen cũng đã đưa ra con số khá thú vị rằng, 47% giá trị của một chiến dịch video được truyền đi trong 3 giây đầu tiên và 74% giá trị của một chiến dịch video được truyền đạt qua 10 giây đầu tiên. Nghiên cứu này cũng chỉ ra : Khi độc giả xem 3 giây đầu tiên của một video trên Facebook, 65% số này sẽ xem ít nhất 10 giây, 45% xem 30 giây. Một nghiên cứu khác của Twitter cũng tìm ra liên hệ mạnh mẽ giữa xem 3 giây đầu tiên của một video dẫn tới việc người xem có xem cả video đó hay không.
Với 1,5 giây thì người xem chỉ kịp mở ra mà đóng lại. Giới hạn 1,5 giây đồng nghĩa với việc các đối tượng quảng cáo gần như không thể chuyển tải bất cứ thông điệp nào đến người xem để cho họ có thể bấm “next” hay tiếp tục xem.
Bình luận về vấn đề này, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho biết, với 1,5 giây thì không đủ chuyển một thông điệp nào đó đến người xem. Và như vậy người xem sẽ không tiếp nhận được thông tin mà họ cần để quyết định xem tiếp hay bỏ qua.
“Những mạng xã hội như Google hay Facebook đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý người xem để họ đưa ra thời gian tắt hoặc mở quảng cáo. Các nghiên cứu tâm lý người xem chỉ ra rằng với thời gian tắt hoặc mở quảng cáo 5 – 6 giây sẽ làm cho người xem chấp nhận được. Nếu thời gian tắt hoặc mở quảng cáo dài quá sẽ khiến người xem quảng cáo ức chế và gét bỏ. Như vậy, hiệu quả quảng cáo sẽ không được như mong muốn. Nhưng nếu thời gian tắt hoặc mở quảng cáo dưới 5 giây sẽ không đủ cho các đơn vị quảng cáo chuyển tải thông điệp ngắn của mình đến người xem. Rõ ràng những điều khoản đưa ra cần phải nghiên cứu kỹ” ông Hải phân tích.
Phân biệt sẽ làm thui chột kinh tế báo chí
Bộ VH-TT&DL giải thích rằng các mạng xã hội, YouTube không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác. Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí.
Thực tế là về mặt nội dung, đường lối thì báo chí cách mạng Việt Nam có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng; tuân thủ các quy định pháp luật. Còn về kinh doanh thì đang phải cạnh tranh nhau rất khốc liệt; thậm chí cơ chế đơn vị sự nghiệp còn bó buộc báo chí hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Nên nếu các hành lang pháp lý về quảng cáo mà giữ tư duy đó sẽ làm thui chột kinh tế báo chí.
Dự báo những khó khăn tới gần với báo chí trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn chưa có điểm dừng, một số tờ báo đã nêu: “Siết quảng cáo trên báo chí, Google, Facebook sướng rơn vì hưởng lợi?”, “Luật chơi triệt tiêu cạnh tranh”,v.v..
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM thì mô tả tình trạng báo chí khi đó sẽ “teo tóp”. Còn ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam ước lượng con số cụ thể: Nếu thực thi các điều khoản này, hơn 80% doanh thu quảng cáo hiện nay rơi vào tay Facebook, Google.
Nên sớm tiếp thu, sửa đổi
Ông Nguyễn Trường Sơn cho hay, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã gửi văn bản lên các cơ quan chức năng để sớm đề xuất chính phủ cho sửa đổi Luật Quảng cáo, tạo hành lang pháp lý cho ngành báo chí truyền thông và quảng cáo được hoạt động thuận lợi.
“Luật Quảng cáo này đã thực thi gần 10 năm nay nhưng chưa áp dụng phạt cơ quan báo chí nào cả. Nghị định 38 đã cụ thể hóa và có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, quy định Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây đang bất cập. Nếu không phạt cơ quan báo chí thì vi phạm luật, nhưng áp dụng chế tài phạt thì gây khó khăn cho cơ quan báo chí”, ông Sơn nói.
Ngày 1/6, Bộ VH-TT&DL cho biết sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn trong năm 2022.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM nêu quan điểm cần có thêm các buổi toạ đàm lắng nghe, trao đổi ý kiến của các bên có liên quan. Đặc biệt là ý kiến của các cơ quan báo chí, để xây dựng hướng dẫn phù hợp, khắc phục được các bất cập với đối tượng chịu sự chi phối của văn bản và phát huy được ưu điểm.
Theo Thái Khang – Hồ Văn - Du Lam (VietNamNet)