Gần đây, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin nước ngoài thu hồi hàng loạt sản phẩm Việt Nam có chất phụ gia chưa được cho sử dụng, thiếu thông tin về chất phụ gia từ nhà nhập khẩu... Nhiều người tiêu dùng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, bởi các sản phẩm này đang rất phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Song, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), có nhiều chất ở Nhật Bản cấm sử dụng, còn ở Việt Nam chất đó lại được phép sử dụng với hàm lượng nhất định
Thậm chí, theo ông Thịnh, có chất phụ gia có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), trong đó, Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Vì thế, không có gì lạ khi sự việc diễn ra các DN hoàn toàn có thể nói rằng, sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam vì trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.
Một số chuyên gia trong ngành thực phẩm cho rằng, mỗi thị trường có một tiêu chuẩn riêng. Do đó, có những chất phụ gia, chất bảo quản được phép sử dụng ở nước này lại không được phép sử dụng ở nước khác. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có một số tiêu chuẩn riêng, khác với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.
Ví như, ở Nhật Bản hàm lượng Natri nitrit (chất bảo quản) được phép sử dụng trong thịt xông khói là 0,07g/kg, trong khi ở Việt Nam các sản phẩm thịt, thịt gia cầm, thịt thú nguyên miếng đã qua xử lý nhiệt quy định làm lượng Natri nitrit được phép sử dụng là 0,125g/kg.
Tương tự, ở Việt Nam, hàm lượng Butyl hydroxy toluen (chất chống oxi hóa) được phép sử dụng trong cá, cá phi lê và sản phẩm thủy sản đông lạnh là 0,2g/kg, nhưng ở Nhật Bản họ cho phép sử dụng chất này với hàm lượng 1g/kg hải sản đông lạnh.
Hay như nước tương hiệu Maggi bán tại Pháp thành phần chỉ là: nước, muối, protein lúa mì, bột ngọt, đường, chất béo, axít béo bão hòa, carbohydrate... Tuy nhiên, nước tương Maggi bán tại siêu thị Việt, ngoài các thành phần nước, muối, chiết xuất từ đậu nành lên men tự nhiên, đường, có thêm loạt các chất điều vị (611), màu tổng hợp (150c), axít amin, chất điều chỉnh độ chua (260), chất điều vị (631, 627), chất ổn định (415), chất bảo quản (202), hương nước tương tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950)...
Thực tế, trên thị trường Việt Nam đang bày bán khá nhiều sản phẩm như: nước ngọt đóng chai Coca Cola, nước uống sữa trái cây bổ dưỡng , dầu gội đầu,... thường có ghi dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu”.
Theo lý giải của các nhà sản xuất, nhiều chất bảo quản các nước hạn chế dùng, hoặc dùng có chỉ định. Còn ở Việt Nam lại cho phép sử dụng bình thường nên có sự phân biệt sản phẩm theo dòng thị trường như vậy.
Hàng tốt dành cho xuất khẩu
Trao đổi với PV. VietNamNet, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), cho biết, hầu hết các tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia trong chế biến thực phẩm ở nước ta đều lấy theo tiêu chuẩn Codex. Thậm chí nhiều khi mình còn rập khuôn không phù hợp với một số sản phẩm truyền thống ví như nước mắm.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn trong sản xuất VietGap, GlobalGap lại thấp hơi rất nhiều so với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.
Theo bà Minh, sở dĩ một số tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn mặt bằng các nước có lẽ là do nhà quản lý ở nước ta nghĩ trình độ sản xuất của người Việt Nam còn thấp nên đưa ở mức tối thiểu, phù hợp với thực tế.
“Hiện nay đối với thị trường nội địa có tiêu chuẩn, nhưng hầu như không kiểm soát nên rất thương cho người tiêu dùng Việt Nam”. Bà Minh cho biết, các doanh nghiệp lớn thường sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường tự công bố chứ không ai xác nhận được làm đúng hay sai.
Hàng Việt xuất khẩu sang các nước khi đi qua cửa khẩu ở Việt Nam còn kiểm tra, sang tới nước nhập khẩu họ lại kiểm tra lần nữa rất nghiêm ngặt. Song ở Việt Nam, ai là người kiểm tra, kiểm tra như thế nào, có thường xuyên không vẫn đang là là dấu hỏi.
Như gạo Việt xuất khẩu được các nước kiểm soát rất nghiêm ngặt, phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm họ sẽ trả về. Trong khi, gạo tiêu thụ ở thị trường trong nước chắc chắn có chất bảo quản... nhưng ai kiểm soát, liệu họ có sử dụng đúng loại, đúng liều lượng như trong danh mục quy định không?, bà Minh đặt câu hỏi.
Theo bà, việc kiểm soát an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng trong nước đang lỏng lẻo và có lẽ kém hiệu quả.
Trong khi các nước kiểm tra chặt chẽ, thậm chí còn dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường và sản xuất nội địa.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú chia sẻ, trong những chuyến công tác, học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, điều khiên ông nhớ nhất chính là tinh thần: “Những sản phẩm tốt nhất nước Nhật sẽ dành cho người Nhật. Thậm chí, tiêu chuẩn hàng hoá nội địa của họ còn cao hơn tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu. Thế nên, hàng hoá Nhật Bản xuất khẩu đi các quốc gia vẫn được thị trường sở tại chấp nhận. Điều quan trọng nhất là Nhật Bản luôn có cơ quan giám sát, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi Việt Nam hay một số quốc gia khác lại làm ngược lại, sản phẩm trong nước không tốt bằng sản phẩm xuất khẩu với mục tiêu thu về nhiều ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, ông nhận định.
Theo Tâm An (VietNamNet)