Những ngày qua, thông tin ngân hàng máu TP HCM đạt chứng nhận GMP châu Âu, đủ chuẩn xuất khẩu huyết tương, khiến nhiều người thắc mắc vì sao máu hiến của người tình nguyện lại mang đi xuất khẩu.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, giải thích túi máu lấy từ người hiến gọi là máu toàn phần, được bảo quản và vận chuyển đến ngân hàng máu.
Túi máu này được quay ly tâm, chiết tách thành 3 loại chế phẩm là hồng cầu lắng (truyền cho người bệnh thiếu máu), tiểu cầu (truyền cho người bệnh bị xuất huyết), huyết tương tươi.
Ở Việt Nam, huyết tương tươi được điều chế thành kết tủa lạnh và huyết tương đông lạnh điều trị người bệnh rối loạn đông máu Hemophilia.
Ở các nước phát triển, huyết tương tươi được điều chế thành các yếu tố đông máu cô đặc, Albumin, Gama Globulin điều trị nhiều loại bệnh. Việt Nam hiện chưa thể điều chế được những chế phẩm này, khi cần phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao.
Sau 5 năm nỗ lực với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM là đơn vị đầu tiên cả nước vừa được cấp chứng nhận GMP châu Âu.
Với chứng nhận này, Việt Nam có đủ điều kiện đưa huyết tương tươi sang các nước châu Âu và nhận lại các chế phẩm gồm yếu tố đông máu cô đặc, Albumin, Gama Globulin với giá thành rẻ hơn, điều trị hiệu quả cho người bệnh, thay vì phải nhập khẩu giá cao.
"Chúng tôi không bán huyết tương tươi. Ngân hàng máu đạt chuẩn quốc tế giúp Việt Nam đủ điều kiện để trao đổi huyết tương ra nước ngoài, nhờ một đơn vị quốc tế điều chế thành những sản phẩm chuyên biệt mà nước ta chưa đủ điều kiện sản xuất, với chất lượng tốt, giá rẻ hơn nhập khẩu", ông Dũng nói.
Người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ngân hàng máu Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế, bảo hiểm y tế cũng đỡ gánh nặng chi trả những chế phẩm nhập khẩu giá cao.
Theo ông Dũng, ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cũng như các nơi khác trong cả nước, đều hoạt động trên nguyên tắc không lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ. Chi phí túi máu đến tay người bệnh bao gồm chi phí bồi dưỡng cho người hiến máu, xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền đường máu, xác định kháng thể, định nhóm máu, chi phí điều chế, bảo quản, vận chuyển...
Máu rất quan trọng trong điều trị người bệnh, chưa có chế phẩm nào thay thế được. Hiện Việt Nam chỉ có 1,5% dân số hiến máu. Dự kiến đến năm 2020 phải đạt 2% dân số hiến máu mới đảm bảo điều trị.
Ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM là một trong 5 ngân hàng lớn nhất cả nước, cung cấp máu cho các bệnh viện tại thành phố và một số tỉnh lân cận. Năm 2018, cơ sở này tiếp nhận 230 nghìn lượt hiến với trên 260 nghìn đơn vị máu, điều chế hơn 700 nghìn chế phẩm máu phục vụ người bệnh.
GMP có nghĩa là thực hành sản xuất tốt, đòi hỏi các quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lấy máu, vận chuyển, điều chế, lưu trữ, cấp phát, sử dụng. Cơ sở đạt chuẩn chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của tổ chức nước ngoài.
Tiêu chuẩn này giúp thiết lập quy trình chuẩn, bắt buộc nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt trong từng công đoạn, đảm bảo chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn trong truyền máu người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế và cho người hiến máu, hạn chế các sai sót và nhầm lẫn...
Theo Lê Phương (VnExpress.net)