Sự thật Black Friday: Giảm giá sập sàn, vét túi khách hàng ăn lãi hàng nghìn tỷ đồng

25/11/2019 10:54:31

Vào ngày Black Friday - Thứ Sáu đen tối, dù đã giảm giá “sập sàn” lên tới 40-80%, song doanh thu của các DN vẫn tăng thêm cả tỷ USD, đi kèm đó là khoản lãi khủng mà họ kiếm được sau Thứ Sáu đen tối.

Những năm gần đây, ngày Black Friday đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới. Không chỉ ở Mỹ, Black Friday đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, khi nói đến Black Friday, người ta ngay lập tức nghĩ tới 2 cụm từ: "siêu giảm giá" và “các đám đông hỗn loạn”.

Không khó để lý giải điều này khi vào ngày Black Friday, phần lớn các hệ thống bán lẻ lớn đều mở cửa từ khoảng 4 giờ sáng hay sớm hơn, với hàng chục ngàn mặt hàng giảm giá cực lớn. Mức giảm giá phổ biến từ 10-30%, thậm chí 60% để bán được nhiều hàng hóa.

Một số cửa hàng còn đưa ra chiêu thức giảm sâu đến 80-90% cho một số khách hàng đến sớm hoặc đối với các mặt hàng thông thường như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất, thời trang,... Nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí cho phép nhân viên nghỉ làm như đối với một ngày lễ để đi mua sắm.

Sự thật Black Friday: Giảm giá sập sàn, vét túi khách hàng ăn lãi hàng nghìn tỷ đồng
Các các dịp Black Friday, người dân thường đổ xô đi mua những món đồ giảm giá

Chính vì chương trình siêu giảm giá này mà vào ngày Thứ Sau đen tối hàng năm, người ta thường thấy cảnh người dân điên cuồng mua sắm, thậm chí xảy ra cả hỗn chiến để giành mua các món hàng giảm giá lớn.

Thực tế, vào ngày Black Friday các năm gần đây, tại các nước châu Âu và Mỹ, nhiều người xếp hàng trước 20 giờ, thậm chí kê bàn ghế, dựng lều ăn ngủ tại chỗ để trở thành người đầu tiên có được những sản phẩm giảm giá.

Đáng chú ý nhất là, tại Brazil, có đến hàng trăm người tranh giành nhau mua chiếc tivi giảm giá. Để chấm dứt cuộc hỗn chiến đó, nhân viên phải dùng đến kèn để dập tan đám đông.

Trong khi đó tại Việt Nam, đường phố tắc nghẽn toàn tập, cả biển người chen chân mua sắm trong ngày Black Friday ở các trung tâm thương mại. Đỉnh điểm, nhiều cửa hàng quần áo thời trang, túi xách, giầy dép,... còn xảy ra tình trạng “vỡ trận”, phải tạm thời đóng cửa để hạn chế bớt khách.

Nhân viên bán hàng online dịp này cũng phải làm việc hết công suất, thức trắng cả đêm để phục vụ khách đặt mua hàng trực tuyến.

Một số người tiêu dùng cho biết, họ bỏ ra cả vài chục triệu, thậm chí là vài trăm triệu đồng để mua những mặt hàng khuyến mãi dịp Black Friday.

Với cơn mua sắm điên cuồng trên toàn thế giới trong ngày Black Friday, theo trang Black Friday Global, mỗi năm doanh thu bán hàng đều tạo nên một kỳ tích mới ở mỗi quốc gia. 

Sự thật Black Friday: Giảm giá sập sàn, vét túi khách hàng ăn lãi hàng nghìn tỷ đồng - 1
Xếp hàng, tranh mua TV giảm giá trong ngày Black Friday

Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (National Retail Federation) thống kê, giá trị bán lẻ trong khoảng 10 năm gần đây đều tăng cao trong ngày này. Hiếm có thời điểm nào mà đồng tiền lại lưu thông mạnh mẽ như ngày Black Friday. Theo đó, năm 2015, mỗi giây trôi qua có khoảng 18.000 USD được chi ra trong ngày Black Friday.

Với những khoản thu khoảng lồ, năm sau tăng hơn năm trước thì Black Friday được xem là cơ hội vàng để các doanh nghiệp “hốt bạc”.

Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê nào cụ thể về doanh thu của các nhà bán lẻ trong ngày Thứ Sáu đen tối. Tuy nhiên, một số hãng thời trang cho biết, với cả một biển người chen chân mua sắm, sự kiện bán hàng này giúp doanh thu của họ tăng gấp vài chục lần so với ngày thường.  

Riêng với những đầu mối nhỏ lẻ chuyên nhận order hàng hóa từ nước ngoài, mỗi dịp Black Friday, họ kiếm được cả trăm triệu đồng chỉ nhờ đứng ra nhận đặt hàng hộ khách.

Theo một chuyên gia kinh tế, ngày Online Friday của Việt Nam dù chỉ là quy mô bán hàng trực tuyến, song năm ngoái vẫn thu về hơn 1.200 tỷ đồng. Trong khi, ngày Black Friday quy mô lớn hơn gấp nhiều lần nên doanh thu bán hàng chắc chắn sẽ gấp cả chục lần doanh thu của ngày Online Friday.

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật