Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên tục yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan với thị trường bất động sản trong bối cảnh sốt đất vừa diễn ra tại TP.HCM.
Theo ông, tuy thị trường bất động sản đang phát triển khá ổn định nhưng tuyệt đối không được chủ quan, phải tăng cường vai trò kiểm soát, quản lý nhà nước.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu gắn phát triển bất động sản với quy hoạch, kế hoạch thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Ngoài ra cũng cần gắn với phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch nhưng phải cân đối được cung-cầu của nền kinh tế và của người dân.
Trước đó, tại một hội nghị diễn ra ngày 26/5 có sự tham dự của nhiều lãnh đạo UBND, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý việc quản lý thị trường bất động sản.
Ông nhấn mạnh thị trường bất động sản đang phát triển thuận lợi, đóng góp tích cực vào phát triển chung sau một thời gian đóng băng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần hết sức cảnh giác với bong bóng bất động sản.
"Bộ Xây dựng, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương phải tập trung tăng cường hơn nữa kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản, không để xảy ra khủng hoảng, ảnh hưởng đến tăng trường và phát triển bền vững", Phó thủ tướng yêu cầu.
Sốt đất nền xảy ra tại một loạt các quận, huyện vùng ven TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Các chỉ đạo liên tiếp của ông Trịnh Đình Dũng diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản, đặc biệt tại TP.HCM có nhiều biến động.
Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM có hiện tượng tăng giá đất nền tại một số khu vực vùng ven như quận 2, quận 9, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... Giá đất nền tăng từ 10-20%, có khu vực tăng giá 30-40%, cá biệt có nơi giá tăng lên đến 70% so với năm 2016.
Nói về nguyên nhân sốt đất vùng ven, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, từng nhận định có nhiều lý do trong thời gian vừa qua.
Lý do thứ nhất là do các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP.HCM triển khai đồng bộ, xây dựng rất tốt, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Điều này đã tác động đến giá cả đất đai của khu vực lân cận.
Thứ hai, một số thông tin về dự án cụ thể ở huyện Cần Giờ, Củ Chi vừa qua xuất hiện trên truyền thông, cũng là một yếu tố gây sốt đất.
Thứ ba, năm 2016 Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cùng các quận huyện đã rà soát, điều chỉnh lại những quy hoạch bất cập, tức là những dự án “treo” lâu năm không triển khai được, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Khu đất bị quy hoạch “treo” sau khi điều chỉnh quy hoạch thì trở về giá trị thật.
Thứ tư là có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.
Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, trong đó đáng chú ý là việc công khai hơn nữa các thông tin, quy hoạch và xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)