Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Yên Châu năm 2017, tại bản Co Mon, xã Phiêng Khoài có hơn 70 hộ được hỗ trợ cây mận hậu chiết cành chưa vào bầu đất. Trái với mong muốn nhanh xóa được nghèo của các hộ nằm trong Dự án, số cây giống này sau khi trao cho dân được 1 thời gian thì chết hàng loạt.
Cây được hỗ trợ lại chết, cây mua ở ngoài thì sống tốt
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, mỗi hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo ở đây được hỗ trợ 90 cây mận với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, hướng tới thoát nghèo bền vững. Nhưng tỷ lệ sống của cây mận hậu sau khi người dân nhận được từ đơn vị cung ứng rất thấp, một số hộ được hỗ trợ 90 cây thì chết hết 90 cây; một số hộ may mắn hơn thì sống được 3 đến 9 cây.
Để xác minh sự việc trên, PV đã trực tiếp có mặt tại bản Co Mon. Chia sẻ với PV, anh Sùng Lao Việt lắc đầu, nói: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 90 cây mận về trồng để xóa nghèo. Nhưng tôi thấy rất lạ là số cây tôi nhận được sau khi cho vào bầu đất thì cứ cây cứ khô dần và chết. Tôi bỏ bầu ra kiểm tra thì rễ đã thối hết từ khi nào không biết. Cây chất lượng kém thế này thì không biết khi nào gia đình tôi mới thoát nghèo nữa”.
Cũng theo anh Việt, gia đình anh là một trong những hộ nhận được cây mận vào đợt cuối trong bản. Nhiều hộ nhận từ đợt trước về ươm bầu trồng thử nhưng không sống được. Vì thế, lúc đến nhận cây giống của nhà mình, anh Việt đã ý kiến với cán bộ là "những cây mận giống này rất bé và xấu, không sống được. Lúc đó cán bộ bảo cứ nhận đi có ý kiến gì thì nói sau, đã mất công chở lên đây rồi cứ lấy đi".
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con trong bản phản ánh rằng, từ trước đến giờ, vùng đất bản Co Mon vốn rất ưa thích với loài cây mận hậu. Chẳng hiểu vì lý do gì những cây được Nhà nước hỗ trợ thì chết rất nhiều; trong khi đó, những cây mà bà con mua ở ngoài về trồng hoặc tự chiết cành làm bầu đất lại sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Chủ tịch xã nghi do mối ăn mới chết
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do UBND xã Phiêng Khoài làm chủ đầu tư. Làm việc với PV Dân Việt về vấn đề trên, ông Đặng Văn Cương – Chủ tịch UBND cho biết: “Năm 2016, xã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ân Phát - Sơn La có địa chỉ ở huyện Sông Mã, cung ứng cây giống cho bà con. Hiện tại, tôi vẫn chưa nhận được phản ánh của nhân dân về sự việc cây mận chết. Khi chúng tôi giao giống mỗi hộ đều mời bà con kiểm tra giống cây nào không đủ tiêu chuẩn thì trả lại. Theo tôi nguyên nhân có thể là người dân không chăm sóc tốt nên mối ăn, cây mới chết. Đầu tuần sau tôi sẽ cho anh em lên thực tế để kiểm tra rồi sẽ có câu trả lời với các đồng chí sau”.
Khi được chúng tôi hỏi đến các văn bản giấy tờ liên quan đến việc đơn vị cung ứng và thẩm định chất lượng cây giống thì ông Cương nói, tất cả giấy tờ đang được đồng chí kế toán xã lưu giữ, hẹn dịp khác sẽ làm việc với PV.
Trước đó, trao đổi nhanh với PV, anh Sồng Lao Giáng – Trưởng bản Co Mo, cho biết: “Trên địa bàn có sự việc cây giống Nhà nước hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững chết hàng loạt. Khi sự việc xảy ra, tuy chưa báo cáo bằng văn bản nhưng tôi cũng đã có nói qua với đồng chí Chủ tịch UBND xã”.
Được biết, số lượng cây mận chết hàng loạt sau khi các hộ dân nhận được vài tháng từ đơn vị cung ứng đã được Phòng NNPTNT huyện Yên Châu thẩm định.
Theo nhóm PV Tây Bắc (Dân Việt)