Sau đợt lũ lịch sử năm 2009, người dân xã Hành Tín Đông chịu thiệt hại vô cùng nặng nề, trong khi đây là địa phương có đến 46% hộ nghèo. Vì vậy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ 30 con bò giống miễn phí cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Số bò giống này sau đó được chuyển về địa phương để xét chọn và cấp phát cho người dân làm sinh kế phát triển kinh tế.
Thế nhưng trên thực tế, 30 hộ được nhận bò giống sau đó phải "mua" lại bò với mức giá thỏa thuận.
Bà M. là 1 trong 30 hộ được nhận bò vào năm 2010, cho biết: khi nhận bò, chính quyền địa phương đã yêu cầu hộ dân phải làm cam kết với nội dung: 5 năm sau, tùy theo giá cả thị trường, các hộ dân được nhận bò phải trả lại số tiền trị giá tương đương với cân nặng của con bò được nhận.
"Cứ nghĩ đây là chương trình hỗ trợ bò nên chúng tôi thực hiện nhưng mới đây chúng tôi mới biết thực ra số bò này được UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cấp miễn phí cho 30 hộ nghèo của xã", bà M. nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bắt đầu từ giữa năm 2015, UBMTTQ Việt Nam xã Hành Tín Đông bắt đầu gửi văn bản yêu cầu người dân hoàn trả kinh phí như đã cam kết. Cách trả tiền bò được dựa trên trọng lượng con bò giống ở thời điểm hiện tại nhân với mức giá 100.000 đồng/kg (thấp hơn giá thị trường 40.000 đồng/kg).
Với cách tính đó, số hộ nghèo đã được nhận bò vào thời điểm 2010 phải trả lại cho xã Hành Tín Đông ít nhất 16,5 triệu đồng, nhiều nhất là gần 20 triệu đồng/hộ.
Ngày 16/11, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo xã Hành Tín Đông để xác minh vụ việc và lãnh đạo địa phương thừa nhận việc người dân phản ánh là có thật.
Ông Lê Văn Cư - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hành Tín Đông - thừa nhận: tuy bò được cấp miễn phí cho hộ nghèo nhưng Mặt trận xã đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương tổ chức cho người dân ký cam kết trả lại tiền nhằm quay vòng cho các hộ nghèo khác trên địa bàn xã.
"Mục đích của chúng tôi là muốn nhiều người dân nghèo được thụ hưởng sự hỗ trợ này. Số tiền thu được chúng tôi đã cấp lại cho các hộ nghèo khác để mua bò giống chứ không dùng vào mục đích riêng", ông Cư giãi bày.
Ông Đào Thành Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cũng xác nhận sự việc nói trên và nhận lỗi: "Thấy chủ trương của Mặt trận xã đúng nên chúng tôi đã họp và cho thực hiện. Tuy nhiên việc làm này chúng tôi không báo cáo lên cấp trên, về nguyên tắc là chúng tôi sai rồi".
Ông Công cho biết, vào thời điểm 2010, xã Hành Tín Đông có trên 400 hộ nghèo trong khi đó chỉ có 30 con bò giống được cấp. Nếu chỉ cấp số bò này cho 30 hộ dân như mục đích ban đầu thì không hiệu quả bằng việc xoay vòng vốn.
Trên cơ sở đó, xã Hành Tín Đông đã tự ý "xé rào" để thu tiền bò giống hỗ trợ cho những hộ nghèo khác trên địa bàn xã. Việc hoàn trả kinh phí cũng được họp công khai để thống nhất cách thức và quy định mức giá.
"Thực sự chúng tôi chỉ muốn công tác giảm nghèo được lan tỏa đến nhiều hộ dân hơn nên mới làm vậy. Đến thời điểm này chúng tôi đã thu tiền của 22/30 hộ dân được 308 triệu đồng. Bắt đầu từ cuối năm 2015 đến nay, xã đã giải ngân cho 18 hộ nghèo khác với mức 15 triệu đồng/hộ để mua bò. Số tiền còn lại sẽ tiếp tục giải ngân cho người dân", ông Công chia sẻ.
Để minh chứng cho việc làm tuy trái nguyên tắc nhưng hợp tình của địa phương, ông Công đã cung cấp đầy đủ biên nhận thu tiền bò đợt 1, biên bản họp xét cấp tiền hỗ trợ cho người dân mua bò giống đợt 2.
Đối với 8 con bò chưa được thu tiền, ông Công cho biết những hộ dân nhận bò này hiện điều kiện kinh tế vẫn còn quá khó khăn, một số hộ nhận bò được vài năm thì bò chết nên chưa có điều kiện để hoàn trả.
"Đối với số này chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo, nếu được chúng tôi sẽ không thu tiền", ông Công nói.
Chiều ngày 16/11, sau khi nhận được thông tin, ông Lê Văn Sáu - PCT UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Hành Tín Đông.
Sau khi nghe địa phương trình bày vụ việc và tổ chức kiểm tra thực tế việc giải ngân số tiền thu được cho 18 hộ nghèo mua bò giống, ông Sáu cho rằng tuy địa phương không báo cáo nhưng đây là cách làm hay.
"Lâu nay các hội, đoàn thể khác đã áp dụng hình thức xoay vòng vốn riêng Mặt trận chưa làm được vì một số địa phương có phản ứng. Vì vậy, tuy xã Hành Tín Đông không báo cáo nhưng cách làm này là khá mạnh dạn với mục đích hướng về người nghèo. Tôi sẽ có ý kiến đề xuất để nhân rộng cách làm này trong hệ thống Mặt trận của địa phương", ông Sáu thẳng thắn.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Sáu cũng lưu ý, cách làm dù có hay nhưng nếu một số hộ dân chưa hiểu rõ cũng sẽ tạo ra thông tin không tốt. Vì vậy, UBND xã Hành Tín Đông cần phải tổ chức họp dân để giải thích cho người dân hiểu rõ hơn.
Theo Quốc Triều (Dân Trí)