|
Dù cua chưa đến tuổi thu hoạch nhưng nhiều nông dân huyện ven biển Kim Sơn vẫn bắt cua đem bán vì sợ mất trắng sau bão. Ảnh: Phương Vy. |
Chợ mới xã Kim Đông là đầu mối thu mua hải sản lớn nhất huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với nhiều mặt hàng như cua, tôm sú, cá… Ngày thường, hoạt động mua bán ở đây rất nhộn nhịp do người dân vùng lân cận như xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông… và thương lái khắp nơi đổ về.
Sáng 19/8, chợ hải sản vắng vẻ do ảnh hưởng của bão Dianmu. Những người còn nán lại khu chợ này chủ yếu là nông dân đi bán cua đầm. Chủ các đầm cho hay, lo sợ mưa lớn nước dâng cao làm cua tràn ra ngoài nên hôm nay thu hoạch đem bán, nhưng thương lái o ép trả giá thấp.
Gia đình chị Nhung (xã Kim Hải) có hơn một mẫu đầm nuôi cua. Dù nhiều con cua mới hơn một lạng, chị cũng phải đem bán. “Nếu không bán thì cua chết hoặc bò ra ngoài, mất trắng”, chị Nhung nói.
|
Những con cua khá tươi ngon nhưng bị rớt 50% giá so với ngày thường. Ảnh:Phương Vy. |
Theo người dân, bình thường thương lái ở chợ đầu mối thu mua cả tấn hàng xuất đi Trung Quốc và Hà Nội. Tuy nhiên bão Dianmu đổ bộ vào Trung Quốc và các tỉnh biên giới phía Bắc khiến xe vận chuyển hàng hóa xuất đi bị ngưng trệ. “Sáng nay chúng tôi chỉ mua vài tạ hàng để chuyển đi Hà Nội”, chị Phượng, thương lái xã Kim Đông nói.
Trước bão, giá cua được các thương lái mua 150.000-300.000 đồng/kg tùy loại. Hiện cua thịt loại ngon chỉ 100.000 một kg, cua gạch giá 120.000 đồng/kg, còn các loại cua nhỏ hơn hoặc cua loại giá chỉ 50.000 đồng/kg.
"Nhiều người tiếc rẻ nên đem cua trở lại đầm dự định được ăn cả ngả về không. Sau bão, cua được giá chúng tôi mới bán”, một nông dân nói.
|
Thương lái ép giá khiến người nông dân thiệt thòi. Ảnh: Phương Vy. |
Theo ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn là hơn 3.000 ha. Đến ngày 18/8, nông dân đã thu hoạch 149 tấn cua, hơn 8.800 tấn ngao, tôm rảo 134 tấn, tôm sú khoảng 210 tấn.
Theo Phương Vy (VnExpress.net)