Shopee thu bao nhiêu từ doanh số người bán hàng?
Trong thông báo gửi đến người bán mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử của Shopee, từ ngày 1.4, mỗi đơn hàng thành công, người bán sẽ phải chịu mức phí từ 1-2%.
Theo Shopee, phí thanh toán được tính trên tổng giá trị thanh toán của người mua cho đơn hàng, bao gồm, tổng tiền hàng và phí vận chuyển sau khi áp dụng khuyến mại (nếu có).
Tùy vào phương thức thanh toán mà người mua đã chọn, mức phí thanh toán được áp dụng cho mỗi đơn hàng sẽ tương ứng.
Cụ thể, người mua thanh toán khi nhận hàng (COD) hoặc bằng thẻ ATM nội địa (Internet banking), người bán sẽ chịu mức phí 1%. Với phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng/ghi nợ hoặc trả góp bằng thẻ tín dụng, mức phí là 2%.
Xác nhận với phóng viên, tổng đài viên của Shopee cho hay, mức phí sẽ được cấn trừ trực tiếp trên từng đơn hàng trước khi tiền hàng được chuyển về Ví Shopee của người bán hàng.
Theo chính sách bán hàng của Shopee, người bán được đăng bán sản phẩm miễn phí trên Shopee và hầu như không phải chịu khoản chi phí nào. Đây là cách sàn thương mại điện tử này chiếm được cảm tình của dân bán hàng online. Vì thế, thông báo thu phí lần này khiến không ít dân buôn "khóc dở".
Huệ Nguyễn (chủ một gian hàng trên Shopee 1 năm) cho hay, chị rất không đồng tình với chính sách mới của sàn thương mại. Theo tiểu thương này, người bán sẽ chịu rất nhiều thiệt hại, đặc biệt là với những người mở gian hàng trên Shopee không lâu.
Theo tính toán của tiểu thương này, với mức phí 1%, tính ra, mỗi tháng doanh thu của gian hàng sẽ sụt giảm ít nhất 4-5 triệu đồng.
"Nếu tăng giá hàng hóa để bù phí thì khả năng mất khách rất cao. Khách rất dị ứng với việc sửa giá", chị Huệ than thở.
Không đồng tình với chính sách mới, nhưng buộc phải "cắn răng tiếp tục sân chơi bán hàng online", chị Thúy Hạnh (chủ gian hàng đồ gia dụng) phân tích, với các shop đã kinh doanh lâu, nguồn khách ổn định thì thiệt hại không nhiều, tuy nhiên, với những shop tầm trung và nhỏ thì đây là một trở ngại lớn.
"1% phí với các đơn hàng giá trị nhỏ thì mức phí không đáng kể. Ví dụ đơn 250.000 đồng thì mất 2.500 đồng tiền phí. Tuy nhiên, với đơn gia dụng tiền triệu, cuối tháng cộng lại thì phí rất nhiều. Nhà cung cấp tăng giá, sàn thương mại thu phí, chưa tính đến công kiểm tra đơn hàng, đóng hàng và gọi ship, khả năng bỏ nghề vì lỗ", chị Hạnh nói.
Bên cạnh ý kiến phản đối, cũng có những tiểu thương cho rằng, việc thu phí có thể hiểu được, bởi khi có được lượng khách hàng nhất định, Shopee sẽ thu phí.
"Chẳng có gì là miễn phí mãi. Thực chất việc kinh doanh trên Shopee không hẳn miễn phí. Người bán cũng sẽ phải chịu các chi phí phát sinh như chi phí bao gói sản phẩm, chi phí rút tiền thủ công từ ví Shopee... Nhưng đây là các chi phí bán hàng cơ bản nên hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Vậy nên, người bán băn khoăn khi thu phí thì mức thu như thế nào hợp lý mới là điều quan trọng và nền tảng Shopee cung cấp có giúp người bán kiếm được tiền hay không. Nếu có lợi cho 3 bên, cả người bán, sàn thương mại và người mua thì Shopee sẽ càng mạnh, bằng không rất khó nói về khả năng giữ chân khách hàng của sàn", Huỳnh Anh (chủ gian hàng Shopee với trên 40 sản phẩm và 2000 lượt theo dõi) ý kiến.
Việc Shopee thu phí hiện cũng khiến nhà bán lẻ, cá nhân đang có nhu cầu kinh doanh trực tuyến trên nền tảng Shopee băn khoăn liệu có nên bắt tay với Shopee khi mà nhiều sàn thương mại khác vẫn dùng chính sách miễn phí để thu hút người bán?
Ai là người thiệt nhất khi Shopee thu phí người bán?
Sau thông báo của Shopee, động thái đầu tiên của hàng loạt tiểu thương, đó là tăng giá bán sản phẩm lên ít nhất 1% để bù vào khoản phí. Một số shop online thông báo sẽ sàn thương mại khác để kinh doanh hoặc chọn kênh vận chuyển trung gian, bán hàng trực tiếp với nhiều khuyến mại để hút khách.
Động thái này khiến không ít khách hàng không hài lòng. "Ưu điểm của Shopee là đa dạng nguồn hàng, nhiều mức giá để khách hàng so sánh chọn được mức rẻ. Tuy nhiên, nếu các shop liên tục tăng giá, thì người mua sẽ chịu thiệt", Thùy Linh (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ quan ngại.
Theo Báo cáo tổng kết thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 do iPrice Group công bố, Shopee Việt Nam có bước tiếng đáng nể nhất năm 2018 khi từ vị trí số 3 đã vươn lên dẫn đầu về lượng tuy cập website chỉ trong vòng 7 tháng.
Trong quý 3/2018, Shopee trung bình đã có hơn 34,5 triệu lượt truy cập, bỏ xa vị trí thứ hai của Lazada với hơn 30,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Với nền tảng khách hàng cực "khủng", mức phí thu được của Shopee sẽ là con số không nhỏ?
Shopee chính thức ra mắt tại Việt Nam vào ngày 8/8/2016. Tính đến thời điểm ra mắt chính thức, Shopee đạt 1,8 triệu lượt tải app và đứng top đầu ứng dụng mua sắm tại Việt Nam với trên 3 triệu sản phẩm được đăng bán.
Shopee có mặt nhiều quốc gia như Singapore, Việt Nam, Malaysia... với hơn 46 triệu sản phẩm đăng bán và 16 triệu lượt tải app (thống kê năm 2017).
Theo Hoàng Linh (Nhịp sống kinh tế)