Liên quan đến vụ chiếc máy ảnh trị giá hơn 18 triệu đồng biến thành chai nước lọc sau khi chuyển phát nhanh, luật sư Lại Văn Doãn, Giám đốc công ty Luật TNHH Trung Nam Thái (Đoàn luật sư Hà Nội), khẳng định Shopee phải chịu trách nhiệm với hàng hóa khách hàng giao dịch qua kênh thương mại điện tử của mình. Còn phía đơn vị vận chuyển làm mất hàng có trách nhiệm đền bù Shopee theo hợp đồng ký kết riêng giữa các bên.
Mất máy ảnh, đồng hồ khi chuyển phát nhanh
Cuối tháng 7, một khách hàng tại TP.HCM đặt mua chiếc máy ảnh Sony A6300kit 16-50 mm trị giá hơn 18 triệu đồng của anh Chu Văn Bình (chủ cửa hàng kinh doanh máy ảnh ở Hà Nội) qua trang mạng mua sắm Shopee.
Theo hướng dẫn, anh Bình đóng gói máy ảnh cùng phụ kiện rồi giao cho nhân viên Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh (GHN) - đối tác phụ trách vận chuyển hàng cho Shopee.
Sau nhiều lần liên hệ không gặp được khách hàng, phía GHN đã gửi trả sản phẩm cho anh Bình. Ngày 6/8, khi nhân viên GHN mang gói hàng đến, anh Bình thấy bao bì có dấu hiệu bị tháo bóc nên yêu cầu kiểm tra.
Lúc này, chiếc máy ảnh trị giá gần 20 triệu đồng đã biến mất, thay vào đó là một chai nước Lavie loại 500 ml có trọng lượng tương đương. Vị chủ hàng ngay lập tức yêu cầu nhân viên GHN lập biên bản, đồng thời đăng tải hình ảnh vụ việc lên trang Facebook cá nhân.
Sau khi liên hệ với các bên liên quan, đại diện Shopee cho biết phía GHN sẽ hoàn lại số tiền tương đương giá trị chiếc máy ảnh cho anh Bình. Tuy nhiên, đơn vị này không nói rõ chiếc máy ảnh biến mất như thế nào.
Ngày 10/8, PV nhận được phản hồi bức xúc về chính sách bồi thường của GHN từ anh Vũ Quang Anh (chủ hiệu đồng hồ ở Hà Nội). Món đồ chuyển phát bị mất cắp là chiếc đồng hồ trị giá hơn 10 triệu đồng được anh này đóng gói giao cho khách ở TP.HCM hôm 8/7.
Gói hàng cũng được GHN trả lại người gửi khi không liên lạc được với khách hàng. Hôm 18/7, anh Quang Anh đến nhận lại thì thấy gói hàng bị mất niêm phong, được dán lại bằng loại băng dính khác. Trước sự chứng kiến của nhiều người, nhân viên đơn vị chuyển phát nhanh mở gói hàng thì thấy chiếc đồng hồ biến mất.
Ban đầu, phía GHN nói sẽ bồi thường 1 triệu đồng nhưng anh Quang Anh không đồng ý. Ngày 28/7, GHN thông báo mức đền bù là 70% giá trị chiếc đồng hồ (khoảng 7 triệu đồng) và 10 ngày sau, phía chuyển hàng thông báo chỉ đền bù mức 50% giá trị đơn hàng.
“Tôi yêu cầu đền bù ít nhất 90% giá trị chiếc đồng hồ, đồng thời làm rõ ai là người lấy cắp. Hàng chục lần gọi đến tổng đài, họ nói đã tiếp nhận yêu cầu nhưng đến nay, đại diện công ty lại nói không nắm được”, anh Vũ Quang Anh bức xúc.
Ai phải bồi thường khách hàng?
Bình luận về vụ việc, luật sư Lại Văn Doãn khẳng định Shopee phải có trách nhiệm đối với sản phẩm khách đã đặt mua thông qua kênh bán hàng của đơn vị.
Ông Doãn lý giải khách hàng mua hàng trên Shopee rồi lựa chọn đơn vị chuyển phát mà trang thương mại điện tử này cung cấp, có nghĩa việc vận chuyển được tiến hành dựa trên hợp đồng giữa Shopee với công ty chuyển phát. Như vậy việc xác nhận đơn hàng, giao hàng đều thông qua Shopee. Việc thuê vận chuyển là hợp đồng giao dịch riêng giữa Shopee với phía chuyển phát.
Theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013 về Thương mại điện tử, Shopee phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bán, sau đó có thể yêu cầu đơn vị vận chuyển bồi thường lại cho mình trên cơ sở hợp đồng đã ký kết.
Căn cứ phân tích trên, khách hàng có quyền yêu cầu Shopee bồi thường. Trường hợp đơn vị này không bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng, khách hàng có thể khởi kiện ra tòa.
Khách hàng không có giao kết với GHN (GHN thực hiện việc giao nhận và vận chuyển hàng theo hợp đồng với Shopee) nên khách hàng không có quyền khởi kiện đơn vị chuyển phát.
Trường hợp nhân viên GHN lấy đồ của khách hoặc người khác lấy cắp đồ của GHN thì đơn vị này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Shopee. Khi nhận thấy đồ bị lấy cắp có dấu hiệu của tội phạm hình sự, GHN có thể làm đơn tố giác tội phạm lên cơ quan điều tra.
Để đề phòng sự việc đáng tiếc, luật sư khuyến cáo khách hàng nên gửi hàng hóa tại các đơn vị có uy tín. Ngoài mua dịch vụ bảo hiểm, khi gửi hàng, khách hàng cần ghi chi tiết số lượng, chất lượng, số ký hiệu, niêm phong và chụp ảnh làm bằng chứng.
Đối với hàng hóa có giá trị lớn, khách hàng nên đàm phán ký một hợp đồng riêng với đầy đủ điều khoản ràng buộc đối với đơn vị chuyển phát.
GHN nói gì?
Ngày 8/10, Zing.vn liên hệ với GHN để tìm hiểu về chính sách bồi thường cũng như kết quả xác minh việc mất cắp hàng hóa do nhân viên công ty hay người bên ngoài gây ra. Đơn vị này cho biết sẽ áp dụng các quy định để tối ưu hóa mức đền bù tài sản cho khách hàng.
Còn người gây ra 2 sự việc trên, GHN nói vẫn đang xác minh, hiện chưa có kết quả. “Nếu phát hiện người nào lấy cắp, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và bàn giao cho chính quyền, không có chuyện bao che”, phía đơn vị chuyển phát nhanh nói.
Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)