Công ty 500.000 tỷ trước ngày góp đủ vốn
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vào ngày 20/5/2021, tại TP.HCM có hai doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ lên đến hơn 500.000 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp này CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại Tầng 72, Toàn nhà Landmark 81.
Hai công ty này đều cùng có ngành nghề kinh doanh chính là Sản xuất phần mềm. Cổ đông chính là và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986.
Theo quy định, các cổ đông có nghĩa vụ góp đủ số vốn kê khai trong đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày từ thời điểm cấp đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành. Nếu không góp đủ vốn trong hạn định thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Tính từ ngày 20/5 đến nay, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời hạn hai doanh nghiệp này phải góp đủ số vốn theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trao đổi với PV ngày 12/8, ông vẫn khẳng định sẽ góp đủ số vốn này "bình thường" và nói thêm: "Tôi còn phải kiếm nhiều hơn con số đó nữa".
Mặc dù gây sự chú ý rầm rộ trong thời gian đầu, song các thông tin không đáng tin cậy của Nguyễn Vũ Quốc Anh khiến cộng đồng mạng thờ ơ và không hưởng ứng sau này, các post trên mạng xã hội chỉ có vài like, thậm chí còn thua xa các shop online thông thường.
Con trai Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát mua vào 5 triệu cổ phiếu
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) công bố, ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch Trần Đình Long đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 18/8 đến ngày 16/9/2021 thông qua mua thỏa thuận từ ông Nguyễn Văn Kiều trên sàn HoSE.
Hiện, ông Minh đang sở hữu khối lượng 64,8 triệu cổ phiếu HPG (1,45%). Dự kiến sau giao dịch, lượng cổ phần con trai Chủ tịch nắm giữ sẽ tăng lên xấp xỉ 70 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 1,56% vốn HPG.
Theo đó, nhóm cổ đông là gia đình ông Trần Đình Long sẽ thành công nắm giữ 1.566.437.000 cổ phiếu HPG, tỷ lệ 35,02% vốn - đồng nghĩa với việc nắm giữ quyền phủ quyết của Tập đoàn.
Trước đó, ông Minh đã đăng ký mua vào số cổ phiếu tương đương từ ngày 21/5 đến 18/6/2021, tuy nhiên, đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước tạm dừng bởi lý do giao dịch đăng ký chưa xác định rõ đối tượng chuyển nhượng theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019.
Trên thị trường, giá cổ phiếu HPG chốt phiên 12/8 giảm 0,55 điểm xuống mức 48.400 đồng/cp; lượng cổ phần sắp giao dịch chuyển nhượng có giá trị khoảng 242 tỷ đồng.
Vợ chồng đại gia Việt giành lại hơn 300 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình ghi nhận lợi nhuận gộp quý II/2021 tăng trưởng 28% so với cùng kỳ lên 228 tỷ đồng. Doanh thu cũng tăng khá mạnh, thêm khoảng 20%, lên gần 3.300 tỷ đồng.
Tính trong cả 6 tháng đầu năm 2021, MPC ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên trên 6.100 tỷ đồng và lãi ròng tăng 7% lên 254 tỷ đồng.
Trong quý II, Thủy sản Minh Phú cũng ghi nhận một tin khá tích cực khi thắng trong vụ kiện quốc tế và Hải quan Mỹ đã hủy bỏ quyết định ban hành ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ MPC vào Mỹ.
Quyết định này cho phép MPC tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ, hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác; đồng thời, MPC cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá tạm nộp trước đó.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, Thủy sản Minh Phú ghi nhận phải thu thuế chống bán phá giá tại thời điểm cuối tháng 6 hơn 336 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà Mseafood - Công ty con của MPC được hoàn lại.
Bầu Đức kiếm tiền từ nuôi heo
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE:HAG) vừa khép lại 6 tháng đầu năm 2021 - năm đầu tiên bầu Đức trút được một phần gánh nặng nợ sau khi thảo thuận chuyển giao lại HAGL Agrico (HNG) cho Thaco, cũng là năm đầu BCTC cho thấy những tín hiệu mới, lạc quan hơn dù cơ cấu tài chính vẫn còn áp lực nợ.
Đáng chú ý, mảng nuôi heo sau một năm đã nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu - ngang ngửa con số từ mảng chủ lực hiện nay là cây ăn trái.
Bầu Đức tuyên bố đã hoàn thiện hệ thống chuồng trại, sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Đồng nghĩa, nuôi heo cũng sẽ là một trong 2 mảng chủ lực thời gian tới của HAGL, song song với cây ăn trái.
Một động thái tuy bất ngờ nhưng không quá lạ lẫm với bầu Đức, nhìn từ 15 năm xoay vần với sự quyết định táo bạo cùng những tuyên bố mạnh mẽ, bỏ bất động sản trồng cao su, bỏ cao su đi nuôi bò, dừng nuôi bò chuyển sang đầu tư vườn cây ăn trái.
Tương ứng, cơ cấu doanh thu của HAGL cũng liên tục thay đổi suốt giai đoạn 2007-2020. Nếu bất động sản là nguồn thu chính của doanh nghiệp giai đoạn 2008-2012, thì hai năm tiếp theo. mía đường thay thế và trở thành mảng chủ lực.
Từ năm 2015, cơ cấu tiếp tục thay đổi đáng kể, nuôi bò nổi lên và đóng góp hơn phân nửa doanh thu Công ty. Dù vậy, chỉ đến năm 2017, bầu Đức tuyên bố sẽ dốc toàn lực cho cây ăn trái, còn dự án nuôi bò hay cọ dầu đều tạm dừng bởi không có tiền để làm.
Cán bộ ngành thuế vi phạm quy định phòng chống dịch
Mới đây, ngành thuế ồn ào hai vụ vi phạm quy định giãn cách xã hội, phòng chống Covid-19 tại tỉnh Bến Tre và Bình Định.
Cụ thể, một cán bộ thuế của Bến Tre là ông Trần Khởi Nghĩa (là cán bộ công tác tại Chi cục Thuế Khu vực Châu Thành, Bến Tre) đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra giấy đi đường theo quy định của lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra tại khu vực cầu Thành Triệu. Đồng thời, ông còn to tiếng quát cán bộ kiểm soát dịch.
Ngay sau thông tin, UBND huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) có văn bản đề nghị Cục Thuế tỉnh chỉ đạo xử lý ông Trần Khởi Nghĩa, đồng thời chỉ đạo UBND xã Thành Triệu khẩn trương củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nghĩa theo đúng quy định.
Chi cục thuế khu vực Bến Tre - Châu Thành đã yêu cầu ông Nghĩa làm bản tường trình. Sau đó họp xem xét cụ thể vụ việc, báo cáo Cục Thuế tỉnh để có hướng xử lý theo quy định của ngành.
Vụ gây bức xúc mới đây là Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định Nguyễn Công Thành đi chơi golf trong thời gian cả tỉnh này cách ly xã hội và các khu vui chơi giải trí được yêu cầu ngừng hoạt động. Đáng nói, quá trình chơi, ông Thành đã tiếp xúc với F0. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngành, uy tín lãnh đạo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ngay sau đó đã đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Công Thành 15 ngày để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Đáng nói, ông Thành năm 2019 là Cục trưởng Cục Thuế Bình Định đã bị kỷ luật giáng chức xuống Phó Cục trưởng. Tuy nhiên, 2 năm sau, ông này lại cùng Giám đốc Sở Du lịch Bình Định ngang nhiên chơi golf và tiếp xúc F0 trong bối cảnh giãn cách phòng chống dịch Covid-19.
Theo Bảo An (VietNamNet)