Gần 500 triệu cổ phiếu ngành điện lên sàn
450 triệu cổ phiếu QTP của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu là 11.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa 5.130 tỷ đồng.
Về cơ cấu sở hữu, tính tới ngày 1.12.2016, cổ đông nhà nước sở hữu tới 53.42% cổ phần của Nhiệt điện Quảng Ninh. Trong đó, Tổng công ty Phát điện 1 hiện là cổ đông lớn nhất với 42% cổ phần, tiếp theo là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại với 16,35%. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Điện lực – Vinacomin, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lần lượt sở hữu 11,42%, 10,62% và 9,35%. Theo báo cáo tài chính năm 2016, vốn chủ sở hữu của Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ là 2.873 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Cổ đông sáng lập Nhiệt điện Quảng Ninh là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bán hết vốn. Ngoài ra, SCIC cũng có ý định thoái vốn theo hình thức đấu giá trọn lô toàn bộ 51,4 triệu cổ phiếu với giá 11.200 đồng/cp. Giá khởi điểm cũng là mức giá tối thiể của lô cổ phiếu này là 576 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh giai đoạn 2012 – 2016 chứng kiến sự tăng trưởng ổn định về doanh thu của công ty với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 42%, trong đó doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất và phân phối điện. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại biến động lên xuống một cách thất thường, trong đó riêng năm 2015 ghi nhận lỗ ròng hơn 1,321 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, kinh doanh tại Nhiệt điện Quảng Ninh có phần khởi sắc khi doanh thu đạt 8,738 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2016 và bắt đầu ghi nhận lãi ròng trở lại với con số 366 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Công ty, năm 2015 chi phí tài chính tăng hơn 106%, đạt đến 2,370 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ trong thời gian xây dựng và năm 2011 là 1,260 tỷ đồng, ngoài ra NHNN đồng thời điều chỉnh tỷ giá tăng 3%. Mặt khác, trong năm 2015 phát sinh một số khó khăn chưa lường trước được như phát sinh chi phí thuê đất những năm 2007 – 2014, chi phí khấu hao tài sản cố định do Công ty tăng tài sản quyết toán dự án…
Cùng với 450 triệu cổ phiếu QTP của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, 30,4 triệu cổ phiếu EIN của CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực cũng lên sàn UpCOM ngày mai.
Cổ đông lớn duy nhất của công ty là CTCP Giải pháp Đầu tư Thái Sơn nắm giữ 30,29% vốn tương đương 304 tỷ đồng.
Sẽ có “sóng” cổ phiếu ngành điện?
Trào lưu ăn theo sóng ngành đã từng giúp nhiều nhà đầu tư kiếm bộn tiền. Năm 2016, khi Sabeco, Habeco lên sàn niêm yết, những cổ phiếu bia từng án binh bất động nhiều năm đã dậy sóng giúp những người ăn theo kiếm được bộn tiền.
Trước ngày Vietjet lên sàn, với kỳ vọng sóng hàng không sẽ đẩy giá cổ phiếu ngành hàng không lên cao, nhiều nhà đầu tư đã gom mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Những phiên giao dịch hàng triệu cổ phiếu bắt đầu xuất hiện, nhất là khi, cổ phiếu này rơi về vùng 33.000 đồng/cổ phiếu cùng áp lực chốt lãi của Techcombank. Song HVN chỉ bứt phá được một phiên ngay trước ngày VJC niêm yết. Tới ngày VJC lên sàn, HVN tiếp tục tăng 3.200 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó, cổ phiếu đảo chiều giảm trong sự tiếc nuối của nhà đầu tư.
Không ít nhà đầu tư đã thất bại khi lướt sóng cổ phiếu hàng không |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28.2, cổ phiếu HVN giảm xuống chỉ còn 36.252 đồng/cổ phiếu. Sang ngày 1.3, HVN dù được khối ngoại mua ròng với giá trị 1,01 tỷ đồng, song giá trị vẫn giảm xuống còn 34,699 đồng/cổ phiếu. khối lượng cổ phiếu HVN giao dịch trên sàn UpCom cũng giảm dần từ 4,3 triệu, xuống 2,1 triệu, rồi 1,2 triệu.
Cách đây 2 tuần, một công ty trong ngành điện là EVN Quốc tế đưa hơn 36,67 triệu cổ phiếu EIC lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ngành điện này nhanh chóng được các nhà đầu tư đón nhận với 4 phiên tăng trần liên tiếp. Có thời điểm, EIC được khớp lệnh ở mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó EIC dần rớt giá, và hiện đang được giao dịch ở mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu.
Theo Hoàng Thắng (Dân Việt)