Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đã chốt mức giá bán cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán VNM).
Theo đó, giá khởi điểm được SCIC chào bán cạnh tranh 3,33% vốn điều lệ Vinamilk là 150.000 đồng/cổ phần. Như vậy, nếu phiên chào bán cạnh tranh thành công, số tiền SCIC có thể thu về sẽ không dưới 7.200 tỷ đồng.
So với thị giá trên thị trường của cổ phiếu VNM, mức giá chào bán cạnh tranh lần này tương đương giá đang được giao dịch ở mức 153.000 đồng/cổ phần.
Sau khi chào bán thành công, số vốn cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Vinamilk thông qua SCIC sẽ giảm xuống chỉ còn 36% vốn điều lệ công ty. Mặt hàng sữa cũng nằm trong danh mục có chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp không cần giữ cổ phần.
Theo kế hoạch đề ra, phiên chào bán cạnh tranh công khai cổ phiếu Vinamilk sẽ được SCIC tổ chức vào ngày 10/11 tới đây tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Đây là đợt thoái vốn thứ hai của SCIC tại doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam này. Trước đó, vào cuối năm 2016, SCIC đã tổ chức bán cổ phần Vinamilk với hơn 78,3 triệu cổ phần được bán ra trên tổng số 130 triệu cổ phần chào bán của đợt 1.
Hai nhà đầu tư nước ngoài bao gồm F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing (thuộc Tập đoàn Thai Beverage - Thái Lan) đã chi mức giá 144.000 đồng/cổ phần để thâu tóm số cổ phần này của SCIC tại Vinamilk.
So với lần bán vốn đầu tiên, quy chế chào bán lần thứ hai có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc bằng USD, ký quỹ được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp phép.
Khi trúng giá tiền ký quỹ sẽ được chuyển đổi thành VND, trả cho SCIC để tính là một phần tiền thanh toán.
Đơn vị thực hiện tư vấn cho SCIC định giá khởi điểm cho đợt thoái vốn lần này là liên danh tư vấn UBS AG – Chi nhánh Singapre (UBS) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Vinamilk hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ước đạt 9,9 tỷ USD.
Trong danh mục các công ty mà SCIC đang nắm giữ vốn, Vinamilk cùng là cái tên quan trọng nhất. Hiện tại, SCIC đang nắm giữ vốn Nhà nước tại 147 công ty. Riêng với các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, SCIC đang nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị trên 130.000 tỷ đồng.
Tính 19 doanh nghiệp lớn nhất trong danh mục có cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và HNX và UPCoM, cổ phiếu SICI nắm giữ có giá trị thị trường đạt trên 120.000 tỷ đồng. Riêng phần vốn tại Vinamilk đã có giá trị thị trường lên tới gần 87.000 tỷ đồng, chiếm đến 72,7% tổng giá trị SCIC nắm giữ.
Việc nắm giữ 39,3% vốn, tương đương 571 triệu cổ phiếu lưu hành tại Vinamilk, cũng giúp SCIC thu về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm từ doanh nghiệp sữa này.
Chỉ trong 2 năm 2015-2016, Vinamilk trả cổ tức tiền mặt 60%/năm, tính ra năm 2016, SCIC đã bỏ túi hơn 3.400 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk, chiếm 3/4 cổ tức được nhận và chiếm hơn 40% lợi nhuận trước thuế của SCIC.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)