Đã có 35 nhà đầu tư của Singapore và Hong Kong quan tâm muốn mua cổ phần Vinamilk và hầu hết là các quỹ đầu tư lớn, giàu tiềm lực tài chính.
Ngày 16-10, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết Nhà nước sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu.
Theo đó, chậm nhất là ngày 21-10, SCIC sẽ công bố thông tin về quy chế bán cổ phần tại Vinamilk đợt này.
Ngày 1-11, công bố giá khởi điểm và nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư.
Ngày 10-11, buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Ông Nguyễn Đức Chi - chủ tịch hội đồng quản trị SCIC |
Nhà đầu tư ngoại được đặt cọc bằng ngoại tệ
Ông Nguyễn Chí Thành, phó tổng giám đốc phụ trách SCIC, cho biết các vướng mắc của đợt bán vốn Vinamilk vào thời điểm cuối năm 2016 mà nhà đầu tư nước ngoài nêu ra đã được SCIC tháo gỡ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho SCIC được nhận đặt cọc bằng ngoại tệ từ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia chào bán cổ phần Vinamilk.
Nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú được thanh toán giao dịch ký quỹ bằng ngoại tệ để tham gia đợt chào bán vốn tại Vinamilk.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia chào bán cạnh tranh khi chưa hoàn tất thủ tục cấp mã số giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, theo ông Thành, họ phải hoàn tất thủ tục này trước thời điểm chuyển nhượng quyền sở hữu chứng khoán.
SCIC đã thực hiện 5 buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần (roadshow) của Vinamilk tại Hong Kong và Singapore.
Hiện có 35 nhà đầu tư mới, chủ yếu là các quỹ đầu tư lớn có tiềm lực tài chính của hai nơi trên quan tâm.
Ngày 1-11 sẽ công bố giá khởi điểm
Về giá khởi điểm, ông Chi cho biết SCIC và công ty tư vấn đang tính toán nên tại thời điểm này chưa thể công bố mức giá bán là bao nhiêu.
Dự kiến thời điểm công bố giá khởi điểm cách thời điểm tiến hành bán khoảng 7-10 ngày nhằm mục đích "để giá khởi điểm gần với thị trường".
"Nếu công bố bây giờ thì thị trường có nhiều biến động, công bố sớm quá sẽ khiến giá không sát với thị trường. Cung cầu thị trường sẽ quyết định giá điểm, còn giá bán thì phụ thuộc vào thị trường", ông Chi giải thích.
Lãnh đạo SCIC cho biết thêm tỉ lệ bán vốn lần này chỉ là 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk nên SCIC không giới hạn tỉ lệ mua của một nhà đầu tư.
Vào tháng 12-2016, có 130.630.680 cổ phần đã được chào bán. Số cổ phần đó tương đương 9% vốn điều lệ Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ.
Tuy nhiên, chỉ có hơn 78 triệu cổ phần (tương ứng 60%) được hai nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua và trúng thầu là F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing (thuộc Tập đoàn Thai Beverage - Thái Lan).
Mức giá trúng thầu bằng với mức giá khởi điểm của SCIC chào bán, trị giá 144.000 đồng/cổ phần.
Tại thời điểm đó, tổng giá trị SCIC thu về được sau phiên chào bán lên đến hơn 11.286 tỉ đồng.
Hiện tại, vào thời điểm đóng cửa thị trường chiều 16-10, giá cổ phiếu Vinamilk đang ở mức 148.600 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Ngày 18-10 sẽ giới thiệu tại TP.HCM Để đảm bảo việc thực hiện bán phần vốn nhà nước tại Vinamilk công khai, minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ngày 18-10, SCIC sẽ phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Vinamilk và liên danh tư vấn tổ chức roadshow tại TP.HCM. |
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)