Sau tuyên bố mới của ông Trump, thị trường toàn cầu đảo chiều ngoạn mục

10/04/2025 11:15:28

Chỉ trong vài giờ, thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu đã chứng kiến một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với hơn 75 quốc gia.

Thổi bùng ngọn lửa hy vọng

Ngày 9/4, thị trường tài chính toàn cầu trải qua một trong những phiên giao dịch kịch tính nhất trong lịch sử gần đây khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tạm hoãn 90 ngày việc áp dụng thuế quan đối ứng cao với hơn 75 quốc gia, chỉ áp dụng mức thuế cơ bản 10%.

Quyết định này được đăng tải trên mạng xã hội của ông Trump - Truth Social, ngay lập tức thổi bùng ngọn lửa hy vọng sau một tuần hỗn loạn do lo ngại chiến tranh thương mại leo thang.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ. Phố Wall chứng kiến một ngày lịch sử với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 2.962,86 điểm, tương đương 7,87%, đóng cửa ở mức 40.608,45 điểm. Đây là mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 và đứng thứ ba trong kỷ lục kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.

Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ không kém phần ấn tượng với mức tăng 9,52%, đạt 5.456,9 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Nasdaq nhảy vọt 12,16% lên 17.124,97 điểm, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.

Các cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng: Apple bứt phá hơn 15%, Nvidia tăng gần 19% và Tesla gây sốc với mức tăng 22%. Ngành bán lẻ cũng hưởng lợi lớn, Walmart tăng 9,6%. Cổ phiếu Trump Media & Technology (DJT) - công ty mẹ của Truth Social - cũng tăng hơn 21% sau khi Trump khéo léo “quảng bá” trong bài đăng của mình.

Sau tuyên bố mới của ông Trump, thị trường toàn cầu đảo chiều ngoạn mục
Ông Trump hoãn áp thuế đối ứng lên hàng hóa các nước trong vòng 90 ngày. Ảnh: CNBC

Thị trường tiền số cũng tăng vọt trở lại. Đồng tiền số hàng đầu trên thế giới Bitcoin tăng 7,7%, lên 82.272 USD/BTC. Đà tăng này phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi áp lực từ thuế quan - vốn có thể làm gián đoạn dòng vốn toàn cầu - tạm thời được gỡ bỏ. Các đồng tiền số khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, cho thấy sự đồng thuận trong tâm lý “risk-on” (ưa thích rủi ro) trên thị trường.

Giá vàng và bạc đồng loạt phục hồi. Dù nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt, giá vàng vẫn tăng lên mức 3.100 USD/ounce, trong khi giá bạc giao ngay vọt hơn 4%, vượt ngưỡng 31 USD/ounce. Điều này cho thấy dòng tiền không chỉ quay lại các tài sản rủi ro mà còn củng cố niềm tin vào kim loại quý như một kênh đầu tư song song.

Giá dầu và đồng USD lấy lại đà tăng. Tới 7h30 sáng 10/4, giá dầu WTI tăng 1% lên gần 63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chạm 65,5 USD/thùng, tăng hơn 4,2%. Đồng USD cũng phục hồi, với chỉ số DXY leo lên mức 103 điểm. 

Hiệu ứng “Trump tạm hoãn” không chỉ giới hạn ở Mỹ. Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng đồng loạt khởi sắc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 8,2%, lên 34.506 điểm. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - giảm mạnh từ mức đỉnh 60 xuống còn 33,6 điểm, báo hiệu sự ổn định trở lại.

Đằng sau cú tăng sốc và những rủi ro tiềm ẩn

Thị trường tài chính và hàng hóa thế giới tăng vọt trở lại khi căng thẳng tạm thời được gỡ bỏ. Cú đảo chiều ngoạn mục này không phải là điều bất ngờ nếu nhìn vào bối cảnh trước đó. Một tuần hỗn loạn với làn sóng bán tháo đã đẩy các chỉ số chứng khoán xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Quyết định hoãn thuế 90 ngày của ông Trump được xem như một “liều thuốc an thần” kịp thời. Nó không chỉ xoa dịu tâm lý hoảng loạn mà còn mở ra cơ hội đàm phán cho hơn 75 quốc gia, tạo niềm tin rằng các biện pháp cực đoan có thể được thay thế bằng thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Nó cũng cho thấy rõ hơn chiến lược “nói trước, làm sau” của ông Trump. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent củng cố thêm niềm tin khi khẳng định đây là “chiêu đàm phán” để đưa các quốc gia vào bàn thương lượng, ngoại trừ Trung Quốc chịu mức thuế 125% sau khi đáp trả Washington với mức thuế 84%.

Dù áp lực tạm thời được giải tỏa nhưng rủi ro tiềm ẩn còn lớn với deadline 90 ngày. Cú tăng dữ dội trở lại lần này được xem là mang tính kỹ thuật nhiều hơn là dấu hiệu của sự phục hồi bền vững.

Trước hết, mức thuế 125% áp lên Trung Quốc có thể kích hoạt phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, vốn đã nâng thuế hàng hóa Mỹ lên 84%. 

Thứ hai, sự linh hoạt trong chính sách thuế của Trump, dù mang lại hiệu ứng tích cực ngắn hạn, nhưng có thể tiềm ẩn bất ổn trong dài hạn. Doanh nghiệp khó lập kế hoạch sản xuất và đầu tư khi không biết điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày.

Về khả năng đàm phán, 90 ngày là khoảng thời gian ngắn để các quốc gia - vốn chịu mức thuế đối ứng rất cao - đạt được thỏa thuận với Mỹ. 

Hơn thế, trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, mục tiêu của ông chủ Nhà Trắng là cân bằng thương mại và hồi phục sản xuất tại Mỹ. Cho nên, các quốc gia có thặng dư thương mại là mục tiêu được ông Trump nhắm tới. Uncertainty (bất định) và volatility (biến động) sẽ tiếp tục là đặc trưng của thị trường, khi không ít người đoán được bước đi tiếp theo của ông Trump.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn chịu áp lực lớn từ căng thẳng thương mại, đã mất khoảng 13-14% trong 4 phiên, có thể hồi phục theo đà tăng của chứng khoán Mỹ và thế giới. Đây là tin vui cho nhà đầu tư và những người nắm giữ cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhịp hồi này cũng không được kỳ vọng quá mức, nhất là với các mã chịu ảnh hưởng xấu từ căng thẳng thương mại như dệt may, thủy sản, và gỗ... Và đây có thể là cơ hội để cơ cấu danh mục, giảm thiểu rủi ro trước khi bất ổn quay lại.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)