Trong phiên giao dịch ngày 20/5, VIC tăng kịch trần, đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với gần 5,6 điểm. Mã có mức vốn hóa lớn thứ 3 là VHM cũng tăng hết biên độ, đóng góp hơn 4 điểm; kế đến là TCB với gần 2,5 điểm, VRE (0,56 điểm), VPL (gần 0,4 điểm).
Toàn sàn ghi nhận 193 mã tăng giá, 133 mã giảm giá. Tại nhóm VN30, số mã tăng giá nhiều gấp 7 lần giảm giá (22 mã và 3 mã).
Hầu hết các nhóm ngành tăng điểm; trong đó, ngành bất động sản, dịch vụ chuyên biệt và thương mại diễn biến nổi bật nhất, tăng lần lượt 3,96% và 2,12%. Đi ngược thị trường là các ngành đồ gia dụng và cá nhân, viễn thông, phần cứng.
Đóng cửa thị trường, VN-Index dừng ở mức 1.315,15 điểm, tăng 18,86 điểm (1,45%); VN30-Index tăng tới 27,77 điểm (2,01%), đạt 1.407,52 điểm.
Thanh khoản đạt gần 23.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá mạnh. Khối này mua gần 2.656 tỷ đồng và bán trên 3.172 tỷ đồng.
QUay trở lại với diễn biến tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong nhóm cổ phiếu “họ Vingroup” khi Vinhomes (VHM), Vinpearl (VPL), Vincom Retail (VRE) và VEFAC (VEF) cũng đồng loạt tăng mạnh trong phiên góp phần hỗ trợ đà đi lên của toàn thị trường.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 125%. Đà tăng ấn tượng này đã đẩy vốn hóa thị trường của tập đoàn do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập lên xấp xỉ 350.000 tỷ đồng (tương đương 13,7 tỷ USD).
Với mức vốn hóa này, Vingroup tiếp tục giữ vững ngôi vị doanh nghiệp tư nhân có giá trị lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau duy nhất Vietcombank (VCB) – ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Cùng với cổ phiếu, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng tăng mạnh. Ước tính, tổng tài sản của vị Chủ tịch Vingroup trên sàn chứng khoán Việt Nam (bao gồm sở hữu trực tiếp và gián tiếp) đã đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 100.000 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 5 tháng – bỏ xa các doanh nhân khác trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Theo cập nhật mới nhất của tạp chí Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng lên 10,2 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Với khối tài sản hiện tại, tính đến 19/5, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 277 trong bảng xếp hạng người giàu toàn cầu. Theo tính toán của Forbes, tài sản của Chủ tịch Vingroup đã tăng hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, đưa tỷ phú này nhảy hơn 400 bậc trong danh sách những người giàu nhất thế giới, vượt Chủ tịch Tập đoàn Samsung Jay Y. Lee (8,8 tỷ USD, xếp hạng 355).
Số tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ bằng tổng tài sản của 8 doanh nhân còn lại trong nhóm giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo cập nhật của Forbes, Việt Nam hiện có 4 tỷ phú USD. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet có khối tài sản 2,5 tỷ USD (xếp thứ 1.482 trên thế giới), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long có 2,2 tỷ USD (xếp hạng 1.696), và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 2 tỷ USD (xếp hạng 1.864).
Cần lưu ý rằng, rất khó để tính toán chính xác tài sản của các tỷ phú và con số của Forbes đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Ngoài các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam, một phần không nhỏ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn nằm tại VinFast – doanh nghiệp niêm yết trên Nasdaq. VinFast hiện là hãng xe bán chạy nhất Việt Nam và đang nằm trong top 10 hãng xe điện giá trị nhất thế giới, với vốn hóa hơn 8 tỷ USD (theo companiesmarketcap).
Đà tăng giá cổ phiếu của Vingroup (VIC) diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này dồn dập đón thông tin tích cực trong thời gian gần đây.
Trong năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 300 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2024. Trong quý I, tập đoàn ghi nhận doanh thu hơn 84 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 68% lên 2.243 tỷ đồng.
Theo Thùy Linh (SHTT)