Giá rau xanh tại các chợ truyền thống tăng gấp 3-4 lần do mưa lụt và dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Để bù vào sự thiếu hụt nguồn cung rau trong nước, thương lái ồ ạt nhập rau Trung Quốc về các chợ đầu mối.
Ảnh minh họa |
Theo khảo sát của PV tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Yên Phụ, hầu hết các loại rau, củ tăng giá mạnh. Nhiều nơi, giá rau tăng 3-4 lần so với tuần trước. Cụ thể, rau muống, rau mùng tơi, rau rền 10.000 – 12.000 đồng/bó, rau ngót 8.000 đồng/bó; rau cải ngồng 35.000 đồng/kg.
Các loại rau gia vị cũng tăng gấp 3 lần, với mức giá 5.000 đồng/bó nhỏ, hành lá tăng từ 20.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg. Một số loại củ quả tăng giá gấp 2 lần như cà chua tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; cà rốt 25.000 – 30.000 đồng/kg; su hào 8.000 đồng/củ; mướp đắng tăng 10.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán rau tại chợ Cầu Giấy giải thích về lí do rau tăng giá: “Mưa lớn và ngập lụt khiến nhiều vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội ngập úng. Lượng cung cấp rau ít khiến giá rau tăng mạnh”.
Theo chị Lan, ngoài việc rau bị hỏng do ngập, trời mưa cũng khiến việc thu hoạch, vận chuyển của tiểu thương khó khăn kéo theo việc lượng rau đổ về các chợ đầu mối ít hẳn. Chị Hoàng Thị Thu, tiểu thương tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá rau trong những ngày qua tăng gấp 2-3 lần và có dấu hiệu tiếp tục tăng trong những ngày tới. Để bù vào lượng rau lá thiếu hụt, tiểu thương ồ ạt nhập các loại rau củ từ Trung Quốc như bắp cải, rau cải ngọt, cà rốt, cà chua, củ cải, hành tây…
Anh Trần Văn Đức (Yên Phong, Bắc Ninh), một thương lái đổ rau tại chợ Long Biên cho biết, thường ngày anh nhập khoai tây, hành tây đổ buôn về chợ. Các loại rau về chợ đầu mối ít nên anh đổ buôn thêm bắp cải về bán. “Chúng tôi nhập rau từ Trung Quốc nhưng cũng không rõ vùng nào sản xuất. Khách hàng lấy rất đông. Vứt bỏ bao bì chữ Trung Quốc, không ai nhận biết là rau Việt Nam hay Trung Quốc”, anh Đức cho biết.
PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng cần kiểm soát nguồn gốc thực phẩm về chợ đầu mối như hóa đơn bán hàng, giấy chứng nhận nguồn gốc.
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)