Sau một năm đột phá, Bitcoin đối mặt 2022 kém may mắn

04/01/2022 14:18:54

Đồng Bitcoin trải qua năm 2021 với nhiều biến động song cũng đạt được nhiều cột mốc mang tính đột phá. Trong năm 2022, đồng tiền mã hóa này còn phải đối mặt với nhiều thách thức và những dự đoán không mấy khả quan.

Năm đột phá của đồng Bitcoin

Đồng Bitcoin được phát hành vào năm 2009, hoạt động trên vào công nghệ blockchain, có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Trong vài năm đầu, giá trị của đồng Bitcoin tương đối thấp. Song vài năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2021, giá Bitcoin tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, vào năm 2010, đồng Bitcoin được giao dịch ở mức giá 0,10 USD. Vào cuối năm 2012, giá Bitcoin tăng lên 7,50 USD. Tới năm 2013, giá đồng tiền mã hóa này lên 1.000 USD. Đến năm 2017, giá Bitcoin lên gần 20.000 USD.

Sang năm 2021, giá Bitcoin có sự tăng trưởng ngoạn mục khi liên tục thiết lập các mốc đỉnh cao. Đến tháng 11/2021, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã xô đổ kỷ lục các được thiết lập trước đó, áp sát mốc 69.000 USD/đồng. Sau khi lập đỉnh, giá Bitcoin đã đi xuống. Ngày 26/12, Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 50.000 USD/đồng.

Tuy giá Bitcoin đã rời khá xa mốc kỷ lục 69.000 USD song giá trị của đồng tiền mã hóa này vẫn tăng mạnh. Giá Bitcoin đã tăng gần 70% so với đầu năm 2021.

Nhìn chung, năm 2021 là một năm khởi sắc với thị trường tiền điện tử nói chung và Bitcoin nói riêng. Tổng giá trị thị trường tiền điện tử có thời điểm vượt 3.000 tỷ USD. Hiện tổng giá trị thị trường tiền mã hóa là 2.513 tỷ USD.

Sau một năm đột phá, Bitcoin đối mặt 2022 kém may mắn
Đồng Bitcoin trải qua năm 2021 với nhiều biến động  (Ảnh: Coinmarketcap)

Không chỉ gia tăng nhanh chóng về giá trị, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này còn đạt được nhiều cột mốc quan trọng trong suốt năm qua.

Năm 2021 cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của đồng Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung với công chúng. Nhiều nhà đầu tư coi Bitcoin là "vàng kỹ thuật số", là nơi đầu tư an toàn. Hơn một nửa các nhà đầu tư Bitcoin mới tham gia thị trường này trong vòng 1 năm qua. Năm 2021, các quỹ đầu tư đã rót khoảng 30 tỷ USD vào ngành công nghiệp tiền mã hóa, nhiều hơn số tiền đầu tư vào ngành này hơn 8 năm trước cộng lại.

Cũng trong năm 2021, đồng Bitcoin đón nhận nhiều thông tin pháp lý tích cực góp phần đẩy giá lên cao.

Trong đó, phải kể đến việc Coinbase - sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất ở Mỹ đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - vào tháng 4. Sau đó, ngày 19/10, quỹ ETF Bitcoin niêm yết đầu tiên ở Mỹ càng khiến giá Bitcoin thu hút nhiều nhà đầu tư.

Trong năm 2021, đồng Bitcoin cũng được công nhận là tiền hợp pháp ở một số nước. Ngày 7/9, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên coi Bitcoin là tiền tệ chính thức. Ngay sau đó, ngày 8/9, Quốc hội Ukraine cũng thông qua luật chấp thuận giao dịch bằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác.

Đồng Bitcoin và thị trường tiền điện tử cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân có tên tuổi. Đức đã cho phép một số quỹ đầu tư nhất định rót hàng tỷ USD vào các loại hình tiền số. Cách đây vài tháng, ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cho phép các khách hàng tiếp cận với các quỹ đầu tư Bitcoin.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ Gary Gensler và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell mới đây cũng công khai tuyên bố sẽ không cấm tiền điện tử ở nước này.

Những thách thức với Bitcoin trong năm 2022

Đồng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác trải qua năm 2021 với nhiều biến động dữ dội, giá cả liên tục lên, xuống như tàu lượn khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi "đau tim". Dù giá Bitcoin trong những tuần gần đây có xu hướng đi xuống song nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra khá lạc quan về tương lai của Bitcoin trong những năm tới.

Tuy vậy, đồng Bitcoin và thị trường tiền mã hóa vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và những nhận định không mấy khả quan.

Sau một năm đột phá, Bitcoin đối mặt 2022 kém may mắn - 1
Đồng Bitcoin vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: Bloomberg)

Đồng Bitcoin và thị trường tiền điện tử còn phải đối mặt với nhiều áp lực đến từ cơ quan quản lý của nhiều quốc gia.

Trong năm 2021, các cơ quan quản lý tại nhiều nước đã tăng cường giám sát với tiền điện tử. Trong đó, Trung Quốc cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan đến tiền điện tử vì cho rằng giao dịch đầu cơ tiền số đe dọa an toàn tài sản của người dân và phá vỡ trật tự kinh tế. Còn Mỹ thì siết chặt một số nguyên tắc trong giao dịch tiền điện tử.

Nhiều chuyên gia lo ngại, đồng Bitcoin và thị trường tiền điện tử sẽ gặp khó khăn trong năm 2022 khi các chính sách về pháp lý ngày càng được kiểm soát, thắt chặt.

Ngoài ra, mức năng lượng tiêu thụ và nguồn khí thải carbon tạo ra trong quá trình khai thác Bitcoin là một vấn nạn đối với môi trường và biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Citigroup vào đầu năm nay, mức tiêu thụ điện năng của Bitcoin hiện đã cao gấp 66 lần so với thời điểm năm 2015. Vào tháng 4, tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla - tuyên bố dừng việc mua xe bằng Bitcoin với lý do lo ngại về ảnh hưởng tới môi trường từ việc khai thác tiền số đã khiến giá Bitcoin lao dốc không phanh.

Bên cạnh đó, thị phần của Bitcoin ngày càng giảm khi thị trường tiền kỹ thuật số phát triển. Nhiều nhà đầu tư đang tìm đến những loại tiền mã hóa nhỏ hơn với hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn.

Ông Eswar Prasad - GS về chính sách thương mại quốc tế ở Đại học Cornell (Mỹ) - dự báo "đồng Bitcoin có thể không tồn tại lâu hơn nữa". Theo ông Prasad, trước đây, chỉ có một vài đồng tiền điện tử. Nhưng giờ đây, thị trường tiền mã hóa đã tăng lên hàng trăm loại, trong đó có nhiều loại hữu ích và thân thiện với môi trường hơn Bitcoin. Ông Prasad cho rằng, cách hoạt động của mạng lưới Bitcoin mang tính tàn phá môi trường và khó mở rộng một cách hiệu quả.

Còn Carol Alexander, GS tại Đại học Sussex, cho biết: Khi các nhà đầu tư nhận ra sự nguy hiểm của việc giao dịch Bitcoin, họ sẽ tìm đến những đồng tiền số khác có cơ chế blockchain và đóng vai trò thiết yếu, cơ bản trong ngành tài chính phi tập trung. Theo bà, những đồng tiền gây chú ý nhiều nhất trong năm 2022 sẽ là Ethereum, Solana, Polkadot và Cardano.

Từ đầu năm đến nay, giá Ethereum đã tăng hơn 400%, bỏ xa mức tăng giá của Bitcoin. Đồng tiền này hiện được giao dịch quanh mức 4.100 USD/đồng. Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng tăng giá mạnh mẽ trong năm 2021.

Đồng Bitcoin hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa. Còn Ethereum giữ thị phần gần 20%.

Không những thế, đồng Bitcoin vẫn là một tài sản rủi ro và có tính đầu cơ cao, giá cả vẫn còn nương nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia dự đoán, giá Bitcoin còn biến động theo chiều hướng giảm mạnh. Bà Carol Alexander dự báo trên CNBC, đồng Bitcoin sẽ về mức giá 10.000 USD vào năm 2022, xóa sạch toàn bộ mức tăng trong gần hai năm qua.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo giá Bitcoin có thể trở nên vô giá trị. Vì vậy, những người đầu tư vào Bitcoin cần chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ "mất trắng".

Theo Anh Tuấn (VietNamNet)

 

Nổi bật