Sắp đón cổ đông lớn mới, Eximbank làm ăn ra sao?

06/08/2024 07:05:10

GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% hiện tại lên mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Sắp đón cổ đông lớn mới, Eximbank đang làm ăn ra sao?

Nợ xấu giảm, thu nhập nhân viên tăng mạnh

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, với nhiều con số tích cực.

Theo đó, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.475 tỷ đồng, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Dù mới hoàn thành 28% kế hoạch cả năm nhưng bức tranh lợi nhuận của ngân hàng này cho thấy sự khả quan khi lợi nhuận kinh doanh tăng dần theo từng quý.

Cụ thể, lợi nhuận của quý II/2024 đạt 813 tỷ đồng, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi ấn tượng này có đóng góp không nhỏ từ thu nhập lãi thuần tăng 38%, đạt gần 1.512 tỷ đồng. Trong khi lãi thuần từ hoạt động khác đạt 213 tỷ đồng, gấp 3 lần so với quý II năm 2023.

Quý II vừa qua, Eximbank cũng dành 221 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 24% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy ngân hàng này chú trọng đến chất lượng tài sản, dù tỷ lệ nợ xấu đã giảm nhẹ từ 2,65% hồi đầu năm xuống còn 2,64% tại 30/6/2024.

So sánh 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II, Eximbank là ngân hàng hiếm hoi hiện nay hoàn toàn không có dư nợ từ việc cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Đây có thể coi là điểm cộng lớn đối với chất lượng tài sản của Eximbank trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2022.

Bên cạnh kết quả lợi nhuận nói trên, một số chỉ tiêu kinh doanh chính của Eximbank cũng cho thấy sự lạc quan, như tiền gửi khách hàng tăng 4,3%, lên 163.051 tỷ đồng khi kết thúc quý II.

Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 8% so với cuối năm ngoái với lượng vốn cung ứng ra thị trường đạt 151.328 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng ở mức khá nhưng nhờ lãi suất huy động giảm mạnh so với cùng kỳ nên chi phí trả lãi huy động khách hàng giảm 37% xuống còn 1.708 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt 211.999 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm ngoái.

Sắp đón cổ đông lớn mới, Eximbank làm ăn ra sao?
Ảnh minh họa (EIB).

Đáng chú ý, chi phí cho nhân viên 6 tháng đầu năm (lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương) tăng mạnh 34% so với cùng kỳ, đạt gần 543 tỷ đồng, dù số lượng cán bộ nhân viên tăng nhẹ (6.226 người tại thời điểm 30/6/2024, tăng 196 người so với cùng kỳ năm ngoái). 

Theo tính toán, thu nhập bình quân (gồm lương và phụ cấp) nhân viên Eximbank 6 tháng đầu năm là 24,34 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với con số 17,21 triệu đồng/người/tháng của năm 2023.

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.

Trước đó, EIB công bố sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Với hơn 1.740 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, EIB sẽ chi khoảng 522 tỷ đồng để trả cổ tức. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt.

Lộ diện cổ đông lớn thâu tóm

Từng có “cơ hội vàng” để vươn lên trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu hệ thống do những phát sinh nội bộ trước đây, Eximbank đang dần cho thấy sự trở lại một cách vững chắc sau khi HĐQT đã làm tốt công tác “đối nội” trong hơn một năm qua.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chấp thuận cho Tập đoàn Gelex - một tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam với nòng cốt gồm các thương hiệu lớn như: Viglacera, Dây cáp điện CADIVI, Thiết bị đo điện EMIC, Máy biến áp THIBIDI, Động cơ điện HEM, Dây đồng CFT, Nhà máy nước sạch Sông Đà,... - được mua cổ phần Eximbank.

Sau giao dịch, Gelex sẽ trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.

Theo văn bản chấp thuận, giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm nay.

Nếu giao dịch thành công, GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. 

Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, Eximbank sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương đương vốn điều lệ tăng thêm gần 1.219 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.

Eximbank mới đây đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 4,9% vốn điều lệ. Tiếp đến là CTCP Chứng khoán VIX nắm giữ 3,58% vốn điều lệ và CTCP Thắng Phương nắm giữ 3,07%. 

Hai cổ đông cá nhân có trong danh sách công bố là bà Lê Thị Mai Loan (1,03%) và Phó Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú (1,12%).

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)