Chị Nguyễn Phương (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết chị đang đi một vòng các ngân hàng để đóng tài khoản không sử dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng và thẻ ATM, trong đó có Ngân hàng Đông Á (DongABank).
"Tôi quyết định đóng tài khoản không sử dụng tại Ngân hàng Đông Á sau khi đồng nghiệp cùng cơ quan cũng vừa đóng tài khoản tại ngân hàng này, mở từ thời sinh viên hơn chục năm trước, không sử dụng nhưng vẫn bị tính phí gần 450.000 đồng. Đây là phí thường niên, nhân viên ngân hàng nói mỗi năm sẽ ghi nợ phí 50.000 đồng/tài khoản dù số dư về 0 đồng từ lâu" - chị Phương lo lắng.
Thông tin Ngân hàng Đông Á vẫn ghi nợ phí thường niên hàng năm 50.000 đồng/tài khoản dù số 0 đồng khiến nhiều người "tá hỏa", rủ nhau đi đóng tài khoản bởi rất nhiều tài khoản tại ngân hàng này được khách hàng mở từ thời sinh viên cả chục năm trước.
"Bạn tôi vừa tốn hơn 1 triệu đồng tiền phí khi đi đóng tài khoản mở tại Ngân hàng Đông Á, nhân viên nói là phí thường niên hàng năn. Tôi cũng có thẻ ATM đầu tiên mở tại ngân hàng này, đến giờ khoảng 15 năm và tài khoản cũng ngưng sử dụng từ lâu, vậy ngân hàng vẫn đang ghi nợ phí mỗi năm? Nếu quy định là vậy tại sao hàng quý hoặc hàng năm, ngân hàng không thông báo cho tôi qua tin nhắn, email và tôi không biết gì cho đến khi đi đóng tài khoản?" - anh Khánh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) thắc mắc.
Sau làn sóng hối hả đi đóng tài khoản ngân hàng không sử dụng từ vụ chủ thẻ tín dụng Eximbank "xài 8,5 triệu đồng bị báo nợ 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm", và việc Eximbank vẫn ghi nợ phí SMS Banking đối với tài khoản có số dư 0 đồng ngừng sử dụng từ lâu, nhiều bạn đọc cho biết một số ngân hàng khác vẫn đang tính khoản phí này.
Chị Ngọc Thanh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kể chị vừa đóng một loạt tài khoản đã ngưng sử dụng. Trong đó có tài khoản Ngân hàng PVcomBank không sử dụng hơn nửa năm nay.
"Khi tới quầy, nhân viên ngân hàng nói tôi đang nợ 6 tháng phí duy trì tài khoản, với mức phí là 22.000 đồng/tháng. Nếu muốn đóng tài khoản này, ngoài việc nộp đủ số tiền phí duy trì tài khoản đang nợ, tôi còn phải nộp thêm phí đóng tài khoản là 55.000 đồng. Nhân viên giao dịch nói nếu tài khoản không đủ số dư cũng sẽ "ghi nợ" 22.000 đồng/tháng và cộng dồn cho đến khi có phát sinh số dư sẽ cấn trừ. Trường hợp tài khoản bằng 0, khoản phí cũng sẽ cộng dồn tương tự nhưng mức phí duy trì tài khoản và còn 11.000 đồng/tháng" - chị Thanh kể.
Về phía PVcomBank, ngân hàng này cho biết khách hàng được thông báo đầy đủ về các điều khoản mở tài khoản, sử dụng tài khoản khi thực hiện việc kí kết mở tài khoản thanh toán và công bố, cập nhật thường xuyên thông tin về biểu phí trên website ngân hàng.
Hiện tại, mới có Eximbank thông báo hủy chính sách thu phí đối với số dư tài khoản 0 đồng và lâu không sử dụng, trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn áp dụng cách tính phí là "ghi nợ" cho khách hàng dù tài khoản đó có thể cả chục năm không sử dụng.
Một lãnh đạo ngân hàng đang thu mức phí này giải thích, do ngân hàng ông không áp dụng số dư tối thiểu (tức số dư tài khoản có thể 0 đồng) nên… không thể đóng tài khoản của khách hàng. Các biểu phí và mức phí cụ thể cũng được ngân hàng công khai và thông báo khi khách hàng ký hợp đồng mở tài khoản, mở thẻ.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lập luận, nếu tài khoản về 0 đồng trên 12 tháng mà ngân hàng không có động thái thông báo cho khách hàng để tiếp tục sử dụng hoặc đóng tài khoản là không sòng phẳng. Đồng thời, việc quản lý tài khoản ngừng hoạt động nhiều năm trên hệ thống của các ngân hàng đang được thực hiện ra sao?
Báo Người Lao Động có liên hệ với Ngân hàng Đông Á và đang chờ thông tin phản hồi.
Trong khi đó, trưởng phòng thẻ một ngân hàng thương mại lớn nhìn nhận, ngân hàng ông đang áp dụng chính sách nếu tài khoản ngưng sử dụng trên 12 tháng sẽ yêu cầu các chi nhánh loại ra khỏi danh sách thống kê hàng tháng để số liệu bớt "ảo", giảm nguồn lực theo dõi, sao kê các tài khoản này. Một số ngân hàng khác cũng "đóng băng" tài khoản không phát sinh giao dịch từ 6-12 tháng, khi khách hàng sử dụng sẽ đăng ký kích hoạt lại và không tốn phí.
Do đó, nhiều khách hàng cho rằng các ngân hàng nghiên cứu thay đổi chính sách thu phí đối với tài khoản số 0 đồng và lâu không sử dụng. Nếu vẫn thu, thì phải có kênh thông báo để khách hàng biết mình đang nợ phí và đóng tài khoản khi không có nhu cầu sử dụng.
Trước đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết việc mở và sử dụng tài khoản NH được NH Nhà nước quy định cụ thể tại thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định. Các ngân hàng chỉ thực hiện tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu từ khách hàng…
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)