Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định này quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
Dự thảo này bổ sung các mô hình hợp tác kết nối: Ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế được hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chỉ được hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài để hỗ trợ ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Việc hợp tác này phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước và việc chấp thuận bằng văn bản thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, bổ sung quy định: Các bên liên quan thanh toán quốc tế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm quản lý các luồng giao dịch xuyên biên giới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất bổ sung thêm các hành vi bị cấm như cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán của người khác để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ TGTT và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng, hoạt động đại lý thanh toán...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung thêm một số quy định tại Nghị định 101 về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác...
Tuy nhiên, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán nhận phải đảm bảo không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Ngoài quy định này, tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung, hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản với nhau.
Tài khoản sẽ được chấm dứt phong tỏa khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật hoặc khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản chung.
Trong trường hợp việc phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tiền đã chuyển nhầm cho người khác. Thậm chí, trong một số trường hợp khách hàng bị kẻ gian lợi nhuận đánh cắp thông tin tài khoản và chuyển tiền, nếu phát hiện sớm cũng có thể phong tỏa tài khoản nhận để lấy lại tiền.
Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)