Người dùng thẻ ATM tại Việt Nam đang phải gánh các loại phí nào?
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết Công ty CP thanh toán quốc gia VN (Napas) đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho thẻ tiếp xúc, tương thích với tiêu chuẩn EMV, tương đồng với tiêu chuẩn của các tổ chức thẻ quốc tế đồng thời hỗ trợ những tính năng đặc thù của thị trường VN.
Ngoài việc ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán của ngành ngân hàng, bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng với tính mở, dễ dàng mở rộng để áp dụng trên các lĩnh vực khác, đặc biệt trong thanh toán giao thông.
Hiện Napas đã chuyển giao các tài liệu kỹ thuật cho một số ngân hàng, nhà cung cấp thiết bị chấp nhận thanh toán, nhà cung cấp thẻ để chỉnh sửa hệ thống, và thực hiện triển khai thí điểm.
Bên cạnh việc triển khai tiêu chuẩn cho thẻ tiếp xúc, Napas cũng phối hợp với các nhà cung cấp thẻ, thiết bị chấp nhận và một số ngân hàng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính triển khai khai thí điểm thẻ không tiếp xúc (contactless). Đồng thời nghiên cứu nâng cấp Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa để hỗ trợ các giao dịch thanh toán di động (NFC).
Vừa qua, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm thẻ bùng phát. Việt Nam có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng trong đó 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ, vốn dễ bị làm giả, bị "hack".
Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 31-12-2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử). Thế nhưng, dù kế hoạch là khoảng tháng 4-2017, bộ tiêu chuẩn thẻ chip được ban hành thế nhưng đến nay Napas mới hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa.
Hiện các đơn vị liên quan cũng mới trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để trình Thống đốc ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cũng như ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan và lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip.
Ngoài thủ tục, theo các ngân hàng, e ngại lớn nhất là chi phí chuyển đổi, đặc biệt với những ngân hàng có số lượng phát hành lớn.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5-2,5 USD/chiếc, tương đương 35.000-58.000 đồng/chiếc thẻ. Trường hợp đặt số lượng lớn, từ 100.000 thẻ trở lên thì mức giá có thể mềm hơn.
Hiện tại, Vietcombank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ, VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ, Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ... Một số ngân hàng cổ phần cũng có số lượng thẻ phát hành từ 2,1-5,2 triệu.
Như vậy, riêng 4 ngân hàng gốc quốc doanh đã phải bỏ ra khoảng 50 triệu USD (khoảng hơn 1.100 tỉ đồng) nếu chuyển đổi thẻ.
Đó là chưa kể các ngân hàng còn phải tốn chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip.
Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)