Kết thúc phiên giao dịch 16/11, cổ phiếu NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên tăng phiên thứ 11 liên tiếp và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam: 278.900 đồng/cp.
Tính từ đầu tháng 11 tới nay, cổ phiếu NTC đã tăng khoảng 36%, còn nếu tính từ cuối tháng 3 cổ phiếu này tăng gấp đôi, bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 với hai làn sóng lây nhiễm.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trụ khá vững trước cơn bão Covid, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và có tiềm năng thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài vào trong thời gian tới.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa lập đỉnh sau 13 năm giao dịch. Đóng cửa phiên giao dịch 16/11, HPG lên mức 32.250 đồng/cp. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp HPG lập đỉnh cao lịch sử.
Tính từ cuối tháng 3 tới nay, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 1,3 lần từ mức 13.900 đồng lên mức 32.250 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD và xếp thứ 9 trên sàn HOSE.
Không ít cổ phiếu tăng giá gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp cả chục lần trong thời gian qua.
Cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC tăng hơn 1.800%, từ mức chào sàn 12.000 đồng/cp hồi tháng 7/2019 và xuống mức thấp nhất là 10.100 đồng/cp, rồi lên mức 193.000 đồng/cp như hiện tại. Dù giá cao, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC - lại liên tục mua vào hàng triệu cổ phiếu GAB.
Nhiều cổ phiếu tăng giá vài lần trong thời gian gần đây như DAP của CTCP Đông Á (Dopack), MCP của CTCP In và Bao bì Mỹ Châu, UPC của CTCP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu, BBT của Bông Bạch Tuyết,...
Mỗi cổ phiếu có nguyên nhân tăng khác nhau nhưng nhìn chung mang lại khối tài sản lớn hơn cho các nhà đầu tư.
Cổ phiếu Nam Tân Uyên (NTC) tăng mạnh nhờ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp diễn biến tích cực, giúp NTC ghi nhận hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong 9 tháng, NTC ghi nhận lợi nhuận đạt gần 240 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp gần đây hưởng lợi từ việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư tại khu vực Đông Nam Á, với vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Singapore. Hàng loạt hiệp định thương mại WTO, CPTPP, FTA và gần đây là RCEP... đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI hàng đầu khu vực.
NTC cũng là doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn, tới hơn 1.600 tỷ đồng và thường xuyên chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao hàng đầu trên thị trường.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận cổ phiếu tăng giá mạnh sau thông tin “vua thép” đạt lợi nhuận kỷ lục. Trong quý III, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3.785 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi cùng kỳ 2019.
Với GAB, biến động mạnh về giá dường như chịu ảnh hưởng bởi hoạt động mua bán nội bộ hơn là nhờ vào kết quả báo cáo tài chính quý III. Doanh thu của GAB trong quý III tăng gấp 3 lần lên hơn 200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế khá thấp, chỉ vài trăm triệu đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 17/11, chỉ số VN-Index tăng trở lại và lên trên ngưỡng 955 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 940-945 điểm (MA20) được giữ vững. Những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong phiên 28/10 và đã chốt lời trong phiên 10/11 nên quan sát thị trường trong phiên tới, có thể giải ngân một phần danh mục nếu thị trường có nhịp giảm về vùng hỗ trợ ngắn hạnh trong khoảng 940-945 điểm (MA20).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/11, VN-Index giảm 15,5 điểm xuống 950,79 điểm; HNX-Index giảm 1,38 điểm xuống 143,36 điểm. Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 64,85 điểm. Thanh khoản đạt 11,1 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)