Vài năm trở lại đây, các loại tiền độc lạ in hình linh vật, tiền lì xì tượng trưng cho may mắn được săn đón vào mỗi dịp Tết. Những loại tiền này thường có giá trị nhỏ, ít được lưu thông trên thị trường, đa số được phát hành vào những dịp đặc biệt, đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Chị Phương Anh (Hà Nội) cho biết, vừa mua 5 tờ tiền Bhutan có hình con rồng, với giá 150.000 đồng. Mỗi tờ tiền được đựng trong bao lì xì riêng, được chị Phương Anh dự tính lì xì cho các thành viên trong gia đình trong ngày đầu năm mới. “Mình vẫn lì xì tiền Việt, nhưng tặng thêm cho các con tiền của quốc gia khác, khuyến khích con sưu tầm, tìm hiểu văn hóa các nước”, chị Phương Anh kể.
Trên thị trường tiền lưu niệm, lì xì năm nay có hàng chục mẫu tiền khác nhau, được người bán giới thiệu xuất xứ từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Campuchia, Buhtan, Macao (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)... Tờ tiền rẻ nhất có giá 20.000 đồng, là tờ 1 triệu Patacas (Macao) in hình rồng. Tiền này không có giá trị lưu thông, chỉ mang tính lưu niệm. Tờ tiền đắt nhất khoảng 150.000 đồng, được quảng cáo là tiền 2 USD thật, mạ thêm hình rồng, thần tài cho năm mới.
Những bộ tiền 12 con giáp, tổng hợp từ nhiều quốc gia có giá từ 100.000 - 500.000 đồng/bộ. Theo giới thiệu của người bán, đây đều là tiền thật, còn mới 100% nhưng có giá trị nhỏ. Anh Phùng Văn Hùng, chủ cửa hàng bán tiền lưu niệm tại phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, từ khi bước sang năm mới 2024, nhu cầu mua tiền lấy may của người dân tăng lên rõ rệt. Lượng tiền bán ra tăng so với thường lệ nhưng vẫn kém các năm trước. “Kinh tế khó khăn tất yếu ảnh hưởng đến việc kinh doanh, người dân giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Rất may là năm 2024 có linh vật rồng, được người Việt Nam yêu thích, có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng, nên vẫn được nhiều người mua lấy may”, anh Hùng cho biết.
Theo anh Hùng, việc chuẩn bị tiền cho năm rồng đã được anh làm cách đây 1 năm. Bản thân là người sưu tầm tiền, nên “kho” tiền của anh Hùng luôn có sẵn lượng lớn các đồng lưu niệm, từ tiền giấy đến tiền xu, với hơn 1.000 loại khác nhau. Trong bối cảnh thị trường “nóng” lên dịp cận Tết, anh Hùng cũng cảnh báo người mua cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch. Việc mua, sưu tầm tiền mang ý nghĩa may mắn, chứ không nên coi trọng giá trị, đỏ đen.
Chợ “đen” loạn giá đổi tiền
Bên cạnh tiền lưu niệm, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ cũng gia tăng vào dịp giáp Tết, giao dịch trên chợ “đen” loạn giá. Tiền mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng cao. Mỗi người bán lại rao một giá khác nhau nhưng nhìn chung, các tờ tiền giấy, mệnh giá 1.000 - 5.000 đồng có phí đổi 7 - 15%. Khách đổi 1 triệu đồng, phải trả 70.000 - 150.000 đồng tiền phí. Tiền 500 đồng gần như “biến mất”, nhiều người bán đều lắc đầu báo cháy hàng. Tiền mệnh giá 20.000 đồng cũng được báo khan hàng, không có loại nguyên thếp, sê-ri. Quảng cáo dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội, chị N.Bích (quận Cầu Giấy) cho biết, chị có sẵn lượng lớn các loại tiền mới, tiền lẻ, trừ tiền mệnh giá 20.000 đồng. “Phí có thể tăng từng ngày, nên đổi sớm. Tiền lướt là loại đã qua sử dụng, nhưng còn mới, không nguyên sê-ri. Tiền 20.000 đồng năm nay chỉ có độ mới 97-99%”, chị Bích cho biết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu, đổi tiền mới tiền lẻ và rao đổi tiền trên mạng internet trong những ngày tới, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)