IPEN - tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển vừa công bố một báo cáo về cuộc sống của những nữ công nhân Việt Nam đang làm việc tại 2 nhà máy của Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Để thực hiện báo cáo này, IPEN thông tin đã cùng với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) của Việt Nam. Tuy nhiên khảo sát chỉ tiến hành phỏng vấn với 45 công nhân.
Theo báo cáo, các nữ công nhân được phỏng vấn cho biết, điều kiện làm việc tại đây rất mệt mỏi, phải đứng suốt 9-12 giờ trong ca, mức độ ồn cao vượt quá giới hạn, vấn đề sảy thai xảy ra thường xuyên... Cùng với đó là có một loạt tác động tới sức khỏe của công nhân nữ đang làm việc tại Samsung Electronics như ngất xỉu, cảm thấy chóng mặt, bị ảnh hưởng thị lực, chảy máu mũi, và đau ở dạ dày, xương và khớp...
Báo cáo cũng đề cập đến những rủi ro của công nhân khi chịu ảnh hưởng do việc sử dụng hóa chất trong nhà máy, nhưng không dẫn chứng tỷ lệ người lựa chọn các phương án trả lời.
Khảo sát riêng của chúng tôi với một số công nhân đang làm việc tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đều cho biết họ có được giữ lại một bản hợp đồng làm việc sau khi đã ký kết với công ty.
Một số bộ phận phải đứng khi làm việc, trong khi có nhóm ngồi. Tuy nhiên, các công nhân này cũng cho hay cứ 2 tiếng làm việc họ được nghỉ một lần, việc đi vệ sinh trong nhà máy cũng không bị kiểm soát về thời gian như thông tin trong báo cáo của IPEN. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng được công ty triển khai hàng năm theo nhiều đợt khác nhau.
Mức thu nhập trung bình của công nhân trong nhà máy của Samsung khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, nhóm thấp nhất được khoảng 6 triệu đồng, trong khi một số bộ phận có thể nhận lương trên 10 triệu đồng.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Ryu Kil Sang – Giám đốc Truyền thông Samsung Electronics Việt Nam cho biết hoàn toàn không đồng tình với những nhận định trên.
Liên quan đến kết luận về một loạt tác động xấu đối với sức khỏe của công nhân khi làm việc tại nhà máy của Samsung Electronisc Việt Nam, đặc biệt là cảnh báo nguy cơ phơi nhiễm hóa chất, đại diện doanh nghiệp cho biết, trong hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, chưa từng có một nhân viên nào bị phơi nhiễm hóa chất hay trúng độc tố của những chất hóa học từ nhà máy.
"Có thể một số người đang có sự nhầm lẫn giữa nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên với dây chuyền sản xuất bán dẫn của chúng tôi tại Hàn Quốc. Ở nhà máy lắp ráp điện thoại di động tại Việt Nam thì công nhân chỉ thực hiện lắp ráp thôi, không có công đoạn nào phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Công ty cũng không hề sử dụng các chất hóa học nguy hại cho sức khỏe của con người. Trong các dây chuyền sản xuất, hiện chỉ sử dụng các chất tẩy rửa như alcohol để lau trang thiết bị và nó không gây hại cho sức khỏe", ông Ryu Kil Sang lý giải.
Về kết luận cho rằng tại 2 nhà máy của Samsung tại Việt Nam vấn đề sảy thai "diễn ra rất thường xuyên", đại diện doanh nghiệp cho rằng với con số khảo sát chỉ 45 công nhân thì nhận định này không thuyết phục.
Ông cho biết, cả 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên hiện có hơn 100.000 nhân viên. Trong số đó có 4.000 nhân viên đang mang thai.
"Một báo cáo chỉ khảo sát với 45 người rồi kết luận nhiều trường hợp sảy thai, cũng không chỉ ra tỷ lệ bao nhiêu thì tôi không hiểu 'mức nhiều' ở đây là bao nhiêu, độ nghiêm trọng như thế nào. Đơn vị khảo sát cũng không có sự so sánh, đối chiếu tỷ lệ người sảy thai trên bao nhiêu phụ nữ mang thai trong nhà máy. Điều đó thực sự không thuyết phục", ông nhấn mạnh.
Về thông tin liên quan đến áp lực do phải đứng suốt ca làm và không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí phải lấy thẻ đi vệ sinh, ông Ryu Kil Sang cho hay, tùy đặc trưng của từng công đoạn mà công nhân sẽ đứng hoặc ngồi trong ca làm. Tuy nhiên, người công nhân không phải đứng liên tục trong suốt một ca (8 tiếng nếu không làm tăng ca, còn tăng ca là 10 tiếng) mà cứ 2 tiếng sẽ được nghỉ giải lao 10 phút. Trong giờ ăn ca thì họ được nghỉ 60 phút. Còn về việc sử dụng nhà vệ sinh, ông khẳng định không có bất kỳ giới hạn nào về thời gian.
Liên quan đến thông tin trong báo cáo của IPEN về việc người lao động không được nhận bản sao hợp đồng làm việc, đại diện Samsung cho hay hoàn toàn sai sự thật. Theo ông, mọi nhân viên vào công ty đều được ký kết hợp đồng lao động và giữ lại một bản, có chữ ký xác nhận.
Đánh giá về những kết luận trong báo cáo của IPEN, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, báo cáo của tổ chức này là không chính thống. Việc lấy mẫu hỏi 45 công nhân không thể đại diện được cho 160.000 công nhân của Samsung Việt Nam. Do đó, theo ông, việc đánh giá các vấn đề tồn tại của Samsung là "không chính xác".
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì cho biết đầu năm 2017, cơ quan này đã quyết định thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp điện tử trong nước. Qua thanh tra, phần lớn doanh nghiệp đều sai phạm 10-12 lỗi, song tại 2 nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh chỉ có 3 lỗi vi phạm, cho thấy các đơn vị này thực hiện các quy định Bộ Luật lao động tốt hơn các doanh nghiệp điện tử khác.
Cụ thể, thanh tra tại Samsung Thái Nguyên vào tháng 8, thanh tra Bộ Lao động phát hiện một số vi phạm lao động như áp dụng thời giờ làm việc chưa đúng quy định. Doanh nghiệp đã làm việc theo 2 ca, 3 kíp, ca ngày từ 8h đến 20h và ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm, thời gian nghỉ giữa ca là 1 giờ 50 phút, luân phiên làm việc 4 ngày nghỉ 2 ngày.
Sau thanh tra Samsung Bắc Ninh vào tháng 9, thanh tra Bộ phát hiện doanh nghiệp huy động lao động làm thêm giờ quá số giờ quy định là 30 giờ mỗi tháng, 300 giờ mỗi năm. Cùng với đó, doanh nghiệp này chưa huấn luyện, vệ sinh lao động đầy đủ cho người lao động thuộc nhóm 4 (hơn 13.600 người chưa được huấn luyện).
Theo ông Tùng, lỗi làm thêm quá giờ quy định hiện hầu hết các doanh nghiệp FDI đều mắc phải. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Lao động được tăng thêm số giờ làm thêm, Bộ cũng đang kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật lao động trong đó có tăng giờ làm thêm dự kiến đến 600 giờ đối với doanh nghiệp sản xuất theo đơn hàng xuất khẩu.
"Các lỗi vi phạm của Samsung Việt Nam như báo cáo IPEN đưa ra, thanh tra Bộ Lao động đánh giá không có việc đó", ông Nguyễn Tiến Tùng nói. Ông cũng cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có kế hoạch thanh tra công ty Samsung Việt Nam sau khi có thông tin của IPEN.
Với những thông tin trong báo cáo, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết hiện chưa thảo luận trường hợp này với Chính phủ do chưa nhận được đề nghị từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp đa quốc gia tại nước sở tại, bao gồm việc tôn trọng quyền của người lao động, cung cấp đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo sức khỏe lao động, trong đó các biện pháp phòng ngừa là một phần không thể thiếu.
Samsung - một tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996. Sau 20 năm, công ty đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 14,8 tỷ USD. Năm 2016, doanh thu của Samsung Việt Nam là 46,3 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu đạt 40 tỷ USD và sử dụng gần 137.000 công nhân.
Năm 2017, Samsung Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 60 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD. Hiện nay, Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất phụ tùng tại Việt Nam, với số lượng nhân viên dự kiến sẽ tăng lên 150.000 vào cuối năm 2017.
Nguyễn Hà - Đoàn Loan