Sabeco lên tiếng về thông tin 'doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe'

04/06/2024 14:00:44

Trước thông tin doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định “không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe”, đại diện Sabeco mới đây đã chính thức lên tiếng.

Trong những ngày vừa qua, trên một sô trang truyền thông và mạng xã hội có thông tin, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán là SAB) đã làm việc với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) và kiến nghị Chính phủ về việc thiết lập ngưỡng vi phạm nồng độ cồn hợp lý, thay vì quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Đây cũng được coi là thông tin nổi bật khi quy định hiện hành về nồng độ cồn đang gây ra nhiều áp lực lên tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp bia, rượu ở Việt Nam.

Về thông tin này, cả VBA và Sabeco đều chính thức lên tiếng.

Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA, những thông tin trên là chưa chính xác. Trên thực tế, với chính sách liên quan tới nồng độ cồn, VBA là đại diện của cả ngành. Do đó, VBA có quyền lấy ý kiến từ doanh nghiệp thành viên ở trong cùng hiệp hội. Ngoài ra, những doanh nghiệp thành viên cũng có quyền được đưa ra các ý kiến đóng góp chung cho các vấn đề liên quan đến ngành.

Bà Chu Thị Vân Anh khẳng định, nếu VBA có tham gia đóng góp ý kiến hay kiến nghị đề xuất gì thì hiệp hội sẽ có văn bản chính thức gửi đến các cơ quan Nhà nước xem xét.

Sabeco lên tiếng về thông tin 'doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe'
Sabeco là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bia nổi tiếng ở Việt Nam. Ảnh: Sabeco

Tương tự, bà Đinh Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Ban truyền thông doanh nghiệp Sabeco cũng khẳng định, đề xuất bỏ quy định 'không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe' là không chính xác và không đúng bản chất sự việc. Bà Hường nhấn mạnh rằng, việc đưa thông tin không chính xác đã làm trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín cũng như làm sai lệch quan điểm của Sabeco đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, Sabeco đề nghị các đơn vị sớm điều chỉnh lại nội dung để tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty.

Trên thực tế, theo đại diện của Sabeco, dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp đã cố gắng giảm nhẹ tác động của Nghị định 100, bằng cách tiến hành làm việc chặt chẽ với Chính phủ để vừa thể hiện trách nhiệm trong việc kinh doanh bia, đồng thời đảm bảo cho người tiêu dùng uống rượu bia có trách nhiệm nhưng cũng có sự linh động phù hợp trong việc thực hiện nghị định.

Trong những năm gần đây, ngành bia rượu ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 khiến cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này chưa được như kỳ vọng.

Dù chịu nhiều tác động và khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong ngành này khẳng định luôn ủng hộ, đồng thời tuân thủ chủ trương và chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã cố gắng tìm cách để thích ứng với những khó khăn và thách thức nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như duy trì việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Sabeco làm ăn ra sao trong năm qua?

Sabeco lên tiếng về thông tin 'doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe' - 1
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Sabeco diễn ra vào ngày 25/4. Ảnh: NV

Về phía Sabeco, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 30.461 tỷ đồng và 4.255 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt đạt 76% và 74% so với kế hoạch đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023. Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua, HĐQT Sabeco đã đề xuất về tỷ lệ cổ tức cuối cùng là 20, dẫn đến tỷ lệ cổ tức cho cổ đông trong cả năm là 35%. Đề xuất này đã được thông qua.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Lester Tan Teck Chuan, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, tuy ghi nhận mức giảm gần 23% so với kết quả cảu năm 2022. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của năm 2023 đã khẳng định được sức bền, năng lực cạnh tranh của Sabeco, song song với khả năng sinh lời đáng kể cho các cổ đông. Những thay đổi mang tính trọng yếu đã được Sabeco triển khai để giữ vững vị thế thương hiệu bia hàng đầu Việt Nam của Bia Saigon.

Sabeco lên tiếng về thông tin 'doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định không cho phép có nồng độ cồn khi lái xe' - 2
Ông Lester Tan Teck Chuan, Tổng giám đốc Sabeco, phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Ảnh: TT

Theo ông ông Lester Tan Teck Chuan, để đạt được kết quả kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Sabeco đã thực hiện tập trung đẩy mạnh vào 3 lĩnh vực, bao gồm tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và những sáng kiến ESG (Môi trường - Xã hội – Quản trị).

Trong năm 2024, Sabeco đề ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 4.580 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 8% so với năm 2023. Ba lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp này trong năm 2024 vẫn bao gồm tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và những sáng kiến ESG.

Trải qua gần 150 năm hình thành và phát triển trong ngành sản xuất đồ uống, SABECO đã xác lập vị thế là một trong các tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, hệ thống toàn quốc của doanh nghiệp nổi tiếng này bao gồm 26 nhà máy, 11 công ty thương mại thành viên và mạng lưới hàng trăm ngàn điểm bán trải dài khắp cả nước. SABECO có nhiều thương hiệu bia được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích như Bia Lạc Việt, Bia Saigon Chill, Bia 333, Bia Saigon Special…

Trước đó, chiều 28/5, VBA đã tổ chức làm việc với đại diện các doanh nghiệp ngành bia, rượu để nhìn lại kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tại buổi làm việc này, đại diện các doanh nghiệp trong ngành đã nêu lên những khó khăn vướng mắc mà họ đang gặp phải, bao gồm: Chịu tác động trực tiếp bởi các quy định về kiểm soát nồng độ cồn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do tình hình xung đột tại một số nơi trên thế giới ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng…

Theo Minh Hằng (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật