Sau một tuần đầy biến động trên sàn chứng khoán Phố Wall, có hai câu hỏi đáng để bàn luận.
Hai câu hỏi
Đầu tiên, tại sao điều này lại xảy ra khi mà nền kinh tế đang rất mạnh? Thống kê nghề nghiệp tháng 11 được công bố hôm thứ sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất, 3,7%, trong bối cảnh nhiều công việc đang được tạo ra.
Thứ hai, tại sao lại lâu như vậy? Tại sao đến bây giờ các thị trường mới nhận ra những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2019? Nếu để ý kỹ, các rủi ro đó đã quá rõ ràng trong nhiều tháng trở lại.
Những động lực thúc đẩy sự thay đổi gần đây đã khiến chỉ số S&P 500 (500 công ty vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Mỹ) giảm 8% trong 2 tháng qua. Biến động thăng trầm từ hàng hóa, cổ phiếu, hay trái phiếu không còn là điều gì mới mẻ.
Đáp án cho câu hỏi thứ nhất, trước hết nằm ở việc 3 năm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã chèn ép các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như nhà ở, công nghiệp ôtô, và các công ty mang gánh nặng nợ nần. Qua nhiều năm, nền kinh tế đang nghiêng về những ngành công nghiệp phụ thuộc vào lãi suất thấp. Một sự tái cân bằng có thể gây thương tổn.
Tiếp đến, các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể gây sức ép lên doanh thu của doanh nghiệp và hoạt động kinh tế nhiều hơn so với hiện tại.
Cuối cùng, việc cắt giảm thuế đã nâng thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong năm 2018. Nhưng điều đó sẽ không lặp lại cho năm sau, có nghĩa các công ty phải cật lực hơn rất nhiều để kiếm lợi nhuận cao. Tăng trưởng chắc chắn chậm lại, trừ khi các công ty phát triển các cách khai thác năng suất lao động cao hơn (việc này ngày càng khó khăn). Lựa chọn này tốt cho triển vọng kinh tế dài hạn nhưng lại không dễ để dựa vào.
Do đó, đáp án cho câu hỏi đầu tiên tương đối đơn giản. Những rủi ro phía trước ngày càng đáng quan ngại hơn khi mọi thứ diễn ra sôi nổi, đặc biệt trong thị trường lao động, khi năm 2018 sắp kết thúc.
Câu hỏi thứ hai khó hơn để có câu trả lời. Tất cả những yếu tố rủi ro chính đã được thảo luận công khai giữa các nhà kinh tế và báo chí tài chính trong năm qua.
Fed đang đánh giá thấp các rủi ro
Năm ngoái, trong các dự báo đồng thuận kinh tế được công bố của mình, Fed dự kiến nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 2,1% trong 2019. Dường như họ đã quá bi quan khi tăng trưởng 2018 đã hơn 3%.
Tuy nhiên, từ khi luật thuế được hình thành, những nhà dự báo kinh tế chính thống đã ước tính có một sự tăng trưởng chậm hơn cho 2019 và 2020.
“Không điều gì thuận lợi xảy ra ở kinh tế và thị trường mà không có những gián đoạn hay hiệu ứng phản hồi. Có những sự kiện kinh tế lớn trong năm 2018 mà mọi người đều biết. Nhưng chúng ta chưa thể cảm nhận đầy đủ hoặc đánh giá cao tác động đến từ chúng”, Blu Putnam, chuyên viên kinh tế cấp cao của tập đoàn tài chính CME, nhận định.
Một phần của sự lo âu những tuần qua đến từ nỗi sợ rằng Fed đang đánh giá thấp các rủi ro này, đồng thời cương quyết tăng lãi suất bất kể nền kinh tế đang cố gắng hiệu chỉnh cho phù hợp với những đợt tăng trước đó.
Những nỗi sợ đó đã giảm bớt khi các quan chức Fed gần đây đã phát đi tín hiệu cởi mở và sự linh hoạt cho lộ trình sắp tới. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn của Fed chỉ mới bắt đầu.
Bức tranh lạc quan cho năm 2019 là việc tái cân bằng nền kinh tế đang diễn ra, tạo nên cả bên thua cuộc (những ngành nhạy cảm với lãi suất và những ngành phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc) lẫn bên chiến thắng (tất cả ngành còn lại).
Nhưng việc tái cân bằng này sẽ không diễn ra suôn sẻ như trong sách vở. Luôn tồn tại những xích mích có thể khiến một số khu vực và lao động nhất định gặp khó khăn trong thời gian dài.
Bức tranh suy thoái trong tương lai gần
Thời điểm hiện nay xuất hiện những nét tương đồng như cuộc suy thoái nhỏ vào giai đoạn 2014 -2016 dẫu cho nguyên nhân có phần hơi khác. Giá dầu và nông sản giảm mạnh, các nhà sản xuất hàng công nghiệp tụt doanh số, kéo tăng trưởng chung đi xuống theo.
Trở ngại đối với Fed là khi cục phải đặt chính sách cho toàn bộ nước Mỹ. Họ không thể đặt cho ngành dịch vụ tại các thành phố lớn ven biển và ngành sản xuất nông cụ ở Iowa 2 mức lãi suất khác nhau.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất tính từ năm 1969, và thu nhập bình quân mỗi giờ đang dần tăng nhanh hơn, việc tiếp tục tăng lãi suất được cho là hợp lý.
Vì vậy, một giai đoạn đầy nguy hiểm cho nền kinh tế sẽ có thể được hình thành. Chính sách xấu có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc đại suy thoái. Và khi viễn cảnh đó xảy ra, nó sẽ bất chấp tình hình đã tốt đẹp ra sao vào cuối năm 2018.
Theo Minh Đức (Tri Thức Trực Tuyến)