Trong khoảng 1 tuần gần đây, trên thị trường F&B Việt Nam đã xôn xao thông tin: chuỗi đồ uống Phúc Long đang được một tập đoàn lớn tại Việt Nam hỏi mua.
Trên thực tế, theo giới thạo tin, không phải phải đến giờ này mà từ vài năm gần đây, Phúc Long đã liên tục được các đại gia F&B lớn tại Việt Nam đánh tiếng hỏi mua, trong đó có tên tuổi của một doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành sữa.
Bỏ qua một vài 'phốt' nho nhỏ trong chuyện quản lý truyền thông - marketing, không thể phủ nhận Phúc Long là một chuỗi F&B có tình hình kinh doanh rất tươi sáng tại thị trường Việt Nam trong vài năm gần đây.
Năm 2019, chuỗi Phúc Long mang về tới 779 tỷ đồng doanh thu, tăng 65%, không kém miếng so với các chuỗi cà phê được đầu tư mạnh như The Coffee House hay ông lớn nước ngoài như Starbucks.
Năm 2019, họ quyết định Bắc tiến và nhanh chóng trở thành hiện tượng khi thường xuyên trong trạng thái quá tải đơn với hàng dài khách hàng kiên nhẫn đứng đợi.
Cũng trong năm 2019, Phúc Long ồ ạt khai trương gần 20 cửa hàng, để nâng tổng số cửa hàng có mặt trên toàn quốc lên con số 70. Trong năm 2020, dù Covid-19, song chuỗi F&B lâu đời này cũng đã cố mở rộng thị trường, khi khai trương thêm gần 10 quán mới nữa.
Trong năm 2021, họ lần đầu ra mắt concept mới kiểu kiosk và đã làm được 2 cái. Tổng cộng theo ước tính của người viết, hiện Phúc Long đang có khoảng trên dưới 80 cửa hàng và 2 kioks.
Một điều thú vị là concept mới kioks của Phúc Long không nằm độc lập ở bên ngoài mà nằm sâu bên trong các siêu thị VinMart của Masan. "Mô hình cửa hàng kiosk đầu tiên của Phúc Long kết hợp cùng VinMart đã chính thức mở cửa chào đón những khách hàng đầu tiên.
Khách hàng có thể đến trải nghiệm mua sắm tại siêu thị VinMart, đồng thời mua mang đi những ly trà và cà phê đậm vị Phúc Long, rồi nhận những phần quà hấp dẫn trong 7 ngày khai trương", Fanpage của Phúc Long đã ‘rao’ như thế.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân ông chủ Phúc Long – Lâm Bội Minh có ý định tìm thêm ‘bạn đồng hành’ được cho là do chuỗi đã quá lớn và một mình ông quán xuyến quá vất vả.
Phúc Long đang là chuỗi trà – cà phê lớn thứ 3 thị trường, sau Highlands Coffee và The Coffee House. Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam Highlands Cofee của Công ty CP Việt Thái International vốn được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Jollibee đến từ Philippines – công ty mẹ của chuỗi thức ăn nhanh Jollibee.
Chuỗi The Coffee House được chèo chống bởi Seedcom – cả về nguồn lực, công nghệ và tài chính. Trong tương quan đó, Phúc Long vẫn đang tự làm một mình và chưa có nhà đầu tư hoặc đối tác lớn. Việc suy tính tìm kiếm bạn đồng hành nếu có của ông chủ Phúc Long là một quyết định hợp lí và thức thời.
Như bất cứ cuộc M&A nào, nguyên nhân quan trọng khiến Phúc Long vẫn chưa ưng ý với bất kỳ người đối tác hay nhà đầu tư bên ngoài, có lẽ đến từ nỗi trăn trở của chủ thương hiệu.
Phúc Long là tâm huyết của ông Lâm Bội Minh đã dày công gầy dựng trong vài chục năm, nên chuyện ông vô cùng cẩn thận khi tìm thêm ‘ba nuôi’ cho đứa con tinh thần của mình là chuyện bình thường.
Nếu không yên tâm giao thương hiệu Phúc Long cho người khác và vẫn muốn quản lý chuỗi dễ dàng hơn, theo lời khuyên của một nhà tư vấn đầu tư giấu mặt, ông chủ Phúc Long có thể thử tìm đến các quỹ đầu tư.
Chúng tôi đang liên hệ với Phúc Long để tìm hiểu thêm về thông tin này.
Theo Linh Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)