Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe?

13/05/2025 08:10:28

Hàng cận date giá rẻ đang được nhiều người tiêu dùng săn đón trong bối cảnh bão giá. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người mua có thể rước họa vào thân vì rủi ro sức khỏe tiềm ẩn từ sản phẩm sắp hết hạn.

Trong bối cảnh giá cả leo thang và thu nhập eo hẹp, nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng cận date như một giải pháp “thắt lưng buộc bụng” hợp lý. Giá rẻ, sự tiện lợi và cảm giác “săn được hàng hời” khiến loại hàng này ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau những mức giá hấp dẫn là vô vàn rủi ro tiềm ẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt với những người thiếu kiến thức và cảnh giác.

Hàng cận date là gì và vì sao hấp dẫn?

Hàng cận date là sản phẩm có thời hạn sử dụng sắp hết, chỉ còn vài ngày đến vài tuần, phổ biến ở nhóm thực phẩm khô, nước uống, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… Những sản phẩm này thường được bán với mức giá chỉ bằng 30 - 50% giá gốc, chủ yếu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hoặc các nhóm Facebook “deal rẻ cận date”, “thanh lý thực phẩm”...

Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe?

Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe? - 1
Hàng cận date thường được bán với mức giá chỉ bằng 30 - 50% giá gốc, chủ yếu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hoặc các nhóm Facebook “deal rẻ cận date”, “thanh lý thực phẩm”... Ảnh chụp màn hình

Tận dụng ưu đãi từ hàng cận date đã trở thành chiến lược mua sắm của nhiều gia đình thu nhập trung bình. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Gái (thôn Nước Ruộng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) - công nhân tại KCN Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi thường chọn mua nước giặt, bỉm, sữa tắm gần hết hạn vì rẻ hơn, lại vẫn sử dụng tốt. Tuyệt đối không mua các sản phẩm ăn uống cận date để dùng cho con”.

Tương tự, chị Phùng Khánh Linh, một nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội lại “kết” hàng cận date vì giá mềm: “Tôi hay mua snack, bánh ngọt, nước uống cận date để tiết kiệm. Nhiều món chỉ còn 20.000 - 30.000 đồng thay vì 70.000 đồng. Miễn là dùng trong vài ngày là ổn.”

Không chỉ người tiêu dùng cá nhân, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ cũng tranh thủ nhập hàng cận date để kinh doanh lại, thậm chí xây dựng mô hình bán hàng chuyên biệt cho loại sản phẩm này.

Hiện nay, việc mua, bán hàng cận date khá phổ biến trên thị trường. Việc mua hàng gần hết hạn sử dụng nhằm giúp nhà sản xuất, phân phối sản phẩm thu hồi được vốn. Đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng khi mua sắm và tránh gây lãng phí, nhất là thực phẩm. Trên thực tế, ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi trên bao bì sản phẩm là để người tiêu dùng lưu ý sử dụng các sản phẩm trong khoảng thời gian an toàn.

Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe? - 2
Về lý thuyết, hàng cận date vẫn có thể sử dụng an toàn nếu được bảo quản đúng cách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này chỉ đúng khi sản phẩm còn nguyên tem, bảo quản đúng nhiệt độ, độ ẩm và không bị can thiệp. Ảnh chụp màn hình

Về lý thuyết, hàng cận date vẫn có thể sử dụng an toàn nếu được bảo quản đúng cách. Các nhà sản xuất thường tính toán dư hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng trước ngày hết hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này chỉ đúng khi sản phẩm còn nguyên tem, bảo quản đúng nhiệt độ, độ ẩm và không bị can thiệp.

Đại tá, bác sĩ Đinh Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 354 (Bộ Quốc phòng) cảnh báo: “Nhiều sản phẩm sắp hết hạn, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn và mỹ phẩm, có thể xảy ra phản ứng hóa học, sinh độc tố nếu bảo quản sai. Nấm mốc, vi khuẩn dễ phát triển và gây hại cho sức khỏe”.

Nhiều sự cố liên quan đến hàng cận date đã được ghi nhận. Năm 2023, hơn 20 học sinh tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhập viện sau khi ăn bánh snack mua ở cửa hàng gần trường. Qua kiểm tra, số bánh chỉ còn 2 ngày hết hạn, lại không được bảo quản đúng nhiệt độ.

Tháng 3/2024, tại TP HCM, một bà mẹ trẻ mua sữa bột Nhật qua livestream với lời cam kết “hạn dùng còn 1 tháng, hàng chuẩn Nhật, chỉ 150.000 đồng/hộp”. Sau khi con uống bị tiêu chảy cấp, đi viện, chị kiểm tra lại mới phát hiện hộp sữa đã hết hạn 10 ngày. Phần in hạn sử dụng bị dán đè khéo léo bằng tem mờ. Người bán lập tức khóa Facebook, chặn liên lạc.

Một số trường hợp còn phải trả giá đắt hơn. Anh Nguyễn Văn Kh. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mua 3 tuýp kem chống nắng “nội địa Hàn” giá chỉ 39.000 đồng/tuýp được quảng cáo là “xả kho showroom”. Sau khi dùng, anh bị nổi mẩn đỏ, ngứa rát khắp mặt. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm chứa paraben và corticoid vượt ngưỡng an toàn. Anh phải tốn gần 3 triệu đồng điều trị da liễu.

Không chỉ thực phẩm, hàng cận date còn tràn lan trong nhóm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những sản phẩm dễ gây kích ứng nếu kém chất lượng.

Cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một kho hàng tại Đông Anh chứa hơn 2 tấn thực phẩm nhập lậu cận date. Trong đó, nhiều mặt hàng đã hết hạn nhưng bị thay bao bì mới, dán tem phụ giả và rao bán online với mác “hàng Âu giá hủy diệt”.

Các chuyên gia da liễu cũng cảnh báo nguy cơ từ mỹ phẩm cận date: nếu đã bị oxy hóa hoặc nhiễm khuẩn, việc sử dụng có thể gây kích ứng, dị ứng, thậm chí viêm da kéo dài.

Bác sĩ chuyên khoa II Ninh Thị Thảo (Phòng khám Đa khoa Minh Ngọc) khuyến cáo: “Chi phí rẻ từ hàng cận date đôi khi là cái giá quá đắt nếu người tiêu dùng không hiểu rõ và sử dụng thiếu kiểm soát”.

Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe? - 3

Hàng cận date: Tiết kiệm chi phí hay đánh đổi sức khỏe? - 4
Không chỉ thực phẩm, hàng cận date còn tràn lan trong nhóm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những sản phẩm dễ gây kích ứng nếu kém chất lượng. Ảnh chụp màn hình

Lỗ hổng pháp lý và sự chủ quan của người tiêu dùng

Luật pháp hiện hành không cấm kinh doanh hàng cận date nhưng yêu cầu phải ghi nhãn rõ ràng, minh bạch về hạn sử dụng. Dù vậy, nhiều người bán vẫn cố tình dán tem phụ mập mờ, in đè ngày sản xuất hoặc không cung cấp điều kiện bảo quản.

Một khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cho thấy, 38% người mua hàng cận date không kiểm tra kỹ hạn sử dụng; 22% không phân biệt được giữa ngày sản xuất và ngày hết hạn; Nhiều người vẫn mua hàng qua livestream, tin vào lời quảng cáo không kiểm chứng.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: “Việc mua hàng cận date cần hiểu đúng bản chất. Nếu thiếu hiểu biết, hành vi tiết kiệm có thể gây nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, nhất là với người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền”.

Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị cho người tiêu dùng, nên mua bánh kẹo, snack, nước uống đóng chai, mì gói… nếu bao bì còn nguyên, hạn sử dụng rõ ràng. Không nên mua sữa, thực phẩm tươi sống, đồ ăn chế biến sẵn, mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng dưới dạng cận date.

Luôn kiểm tra kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, nguồn gốc hàng hóa. Mua ở nơi uy tín như siêu thị, cửa hàng có kiểm định, hạn chế hàng trôi nổi online. Đồng thời, chỉ nên mua lượng vừa đủ để dùng ngay, tránh để sản phẩm quá hạn trong nhà.

“Hàng cận date có thể là giải pháp tiết kiệm hợp lý nếu được lựa chọn thông minh và sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên “đánh cược” sức khỏe chỉ vì giá rẻ. Sự hiểu biết, cẩn trọng và tỉnh táo chính là tấm lá chắn bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình trong thời kỳ bão giá hiện nay”, ông Vũ Văn Trung khuyến cáo.

Theo Xuân Đoàn (SHTT)