Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nợ công

04/11/2017 10:38:43

Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi sẽ bổ sung quy định gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc trong quản lý, sử dụng nợ công.

Ngày 3/11, Quốc hội nghe báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất việc chỉnh lý các quy định gắn quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công.

Theo đó, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Dự thảo luật cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn. Ngoài ra sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý nợ công.

Cụ thể, điều 20 trong Dự thảo luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công có trách nhiệm giải trình, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình đề xuất, thẩm định và phê duyệt chủ trương vay.

Ngoài ra còn phải đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công.

Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nợ công
Dự thảo luật quản lý nợ công sẽ quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc quản lý sử dụng. Ảnh minh họa. 

Điều 20 cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức.

Các đại biểu đồng tình quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài. Việc này sẽ khắc phục tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.

Dự thảo luật quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối. Dự thảo luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Nợ công bao gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương. Các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do NHNN phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật