Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Tại kỳ chi trả tháng 8, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới từ ngày Nghị định số 42/2023, có hiệu lực thi hành từ 14/8/2023.
Theo đó, điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1/1/2022.
Tăng thêm 20,8% đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 1/7/2023.
Đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1/1/1995 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 42/2023.
Tăng phí sát hạch bằng lái xe
Thông tư số 37/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8 đã điều chỉnh tăng mức phí sát hạch lái xe của hầu hết các loại phương tiện.
Theo đó, đối với thi sát hạch lái xe các hạng A, A2, A3, A4, lý thuyết 60.000 đồng/lần; thực hành 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng B1, B2, C, D, E, F lần lượt lý thuyết 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng; thực hành trong hình 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng; sát hạch thực hành trên đường giao thông 80.000 đồng, tăng 20.000 đồng, ngoài ra học viên còn phải lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông với lệ phí 100.000 đồng/lần.
Quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-NHNN ngày 16/6/2023 quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Thông tư quy định rõ hoạt động của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Theo đó, các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới của cá nhân bằng tiền mặt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp bán tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương từ 20 triệu đồng trở xuống, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình các giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài.
Trường hợp bán lại tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương trên 20 triệu đồng cho cá nhân đã đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài, hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền có đóng dấu của tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền chỉ có giá trị cho cá nhân sử dụng để mua lại tiền của nước có chung biên giới trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ghi trên hóa đơn (biên lai). Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thu hồi hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền của cá nhân trước đây.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
Sửa quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-NHNN quy định việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về căn cứ và thủ tục nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền.
Theo đó, đối với hàng hóa là phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; giấy in tiền; mực in tiền; foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ hợp đồng in, đúc tiền giữa cơ sở in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa;
Đối với hàng hóa là máy ép foil chống giả; máy in tiền; máy đúc, dập tiền kim loại: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc đầu tư, mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có văn bản xác nhận việc cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức văn bản khác giữa cơ sở in, đúc tiền và đơn vị cung cấp hàng hóa.
Thông tư 07/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023.
Quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Theo thông tư, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Theo Duy Phạm (Tiền Phong)