Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư có hiệu lực từ 1/9 thêm điều kiện vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở…); đồng thời, thông tư này cũng bổ sung về cho vay bù đắp tài chính, trong đó bao gồm cả cho vay bù đắp cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội.
Điều này có nghĩa là cho phép người dân được vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác (với nhiều mục đích vay hơn). Tác động này rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn.
Thông tư 06 bổ sung thêm quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống sẽ được cấp hạn mức vay tối đa 100 triệu đồng, vay qua hình thức xác minh điện tử. Điều này giúp cho rất nhiều khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ nhu cầu đời sống với điều kiện vay dễ dàng hơn. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, nguồn trả nợ là đã có thể được xem xét cho vay vốn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Lý giải về tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ qua này, theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - có 3 nguyên nhân chính.
Do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính còn thiếu minh bạch... Cuối cùng, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung (khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng).
"Trong những tháng còn lại của năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế”, Giang cho biết.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, có khoảng 30 triệu khách hàng đang vay tiêu dùng với hạn mức vay trung bình 35-50 triệu đồng, với quy mô khoảng 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào thời điểm 31/12/2022. Thông tư 06 mở ra một cánh cửa lớn để người vay vốn có thể tiếp cận được nguồn từ ngân hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng và giảm nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)