Tranh cãi về vai trò của Quỹ
Trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp tục nhận được câu hỏi về vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Hiện mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá, theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ.
“Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm,... khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Thời gian qua, giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao. 4 tháng đầu năm 2019, giá dầu thô biến động leo thang, ngày 23/4 đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 29-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ Bình ổn giá.
“Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn. Ta đã phải chi sử dụng Quỹ bình ổn giá rất nhiều”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.
Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không ít lần chia sẻ với tư cách cá nhân rằng ông rất muốn bỏ Quỹ bình ổn giá để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước”.
Dù vậy, nhiều DN không đồng tình lắm với phương án này.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 12/4/2019, đã chỉ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Hiệp hội xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “chịu thiệt thòi hơn là được lợi” vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
“Bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối”, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị.
Việc dùng Quỹ bị phàn nàn
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định việc dùng Quỹ bình ổn giá thời gian qua đã giúp giá xăng dầu được kiềm chế phần nào. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ phàn nàn việc dùng quỹ thời gian qua.
Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm cuối năm 2018 theo con số của Bộ Tài chính là 3.504 tỷ đồng. Thế nhưng chỉ trong mấy tháng đầu năm 2019, số tiền này đã cạn, thậm chí về con số âm trong những kỳ điều chỉnh giá gần đây.
Đánh giá việc dùng Quỹ thời gian qua để kiềm chế giá xăng là "không hợp lý", một DN xăng dầu cho hay: "Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng tôi phải gửi vào một tài khoản ngân hàng cố định, lãi thì nhập vào gốc luôn và chúng tôi không được động vào số tiền đó. Nhưng khi Quỹ bị âm thì phải vay ngân hàng hoặc bù bằng vốn tự có. Lãi suất vay nhẹ nhất cũng khoảng 7-8%/năm, đó là bất hợp lý".
“Nhiều doanh nghiệp hạn mức vay có hạn, nên không vay được, cho nên nguồn cung thiếu”, đại diện doanh nghiệp này cho hay và nói rằng “nhà điều hành có lẽ không lường được việc dùng Quỹ bình ổn ảnh hưởng đến nguồn cung như thế”.
Gần đây, giá xăng 3 kỳ liên tiếp điều chỉnh tăng mạnh và mức dùng quỹ bình ổn giá đã giảm dần. Vậy nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn âm nặng Quỹ bình ổn giá, cho dù tốc độ âm có chậm hơn.
“Cứ đà này thì đến cuối năm may ra Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp chúng tôi mới bằng 0 chứ chưa nói là dương”, vị đại diện DN xăng dầu chia sẻ.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng: Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.
Theo ông Bảo, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại."Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.
Saigon Petro, trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Tài chính cũng thừa nhận: Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các DN đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo.
“Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)