Khổ vì âm Quỹ bình ổn giá
Cùng với việc điều chỉnh tăng giá mạnh các mặt hàng xăng dầu, thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, cùng với việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, tính đến trước 16 giờ ngày 2/5/2019, QBOGX hình thành tại Petrolimex đang bị âm 355 tỷ đồng. So với 15 ngày trước, QBOGX tại Petrolimex đã bị âm thêm 155 tỷ đồng. Tại doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ hai lĩnh vực xăng dầu là PVOil tính đến 5/5 cũng ghi nhận QBOGX đã âm gần 700 tỷ đồng. Quỹ Bình ổn âm cả trăm tỷ đồng cũng được ghi nhận ở rất nhiều doanh nghiệp khác.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/5, tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khu vực phía Nam khẳng định, việc điều hành sử dụng QBOGX của Bộ Công Thương đang có rất nhiều vấn đề. Hiện các doanh nghiệp được trích 300 đồng/lít xăng dầu nhưng chi sử dụng quỹ tới 925 đồng/lít với xăng E5RON92. Với mức xả quỹ nhiều như vậy, đồng nghĩa doanh nghiệp càng bán nhiều xăng E5 thì quỹ càng bị âm với tốc độ khủng khiếp.
Theo vị này, Bộ Công Thương đã không lường được là khi dùng quỹ nhiều quá, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị âm quỹ. Khi đó, doanh nghiệp muốn bán hàng phải bù 625 đồng/lít xăng bán ra cho quỹ. Với doanh nghiệp nhỏ, không có lợi thế về tài chính thì phải vay ngân hàng và phải chịu lãi suất tới 8%/năm. Đây là điều quá bất hợp lý do doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ có hạn mức vay ngân hàng. Quỹ âm càng nhiều, doanh nghiệp càng không có cửa để vay ngân hàng. Kéo dài thì doanh nghiệp chỉ có cách ngừng nhập xăng vì bị lỗ quá lớn. Khi đó gánh nặng nhập xăng dồn hết lên các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil, SaiGon Petro…
“Với cách điều hành quỹ thế này và số tiền doanh nghiệp chúng tôi đang phải vay ngân hàng bù QBOGX để thu hồi đủ tiền trả ngân hàng, chỉ có cách dừng chi quỹ từ nay đến hết năm. Còn cứ chi ra đồng nào thì chúng tôi còng lưng trả lãi và tiền vay ngân hàng không biết đến bao giờ”, vị này nói.
Mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, cách trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian vừa qua đang “có vấn đề”. Theo ông Bảo, QBOGX đang bị lạm chi và đây là “nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có”.
Theo ông Bảo, trong điều hành, nếu cơ quan quản lý là Bộ Công Thương tiếp tục quyết định xả quỹ kéo dài sẽ gây bội chi quỹ và đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. “Chúng ta sử dụng QBOGX song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập quỹ cũng cần xem xét lại”, ông Bảo nói.
Có thể bỏ quỹ vào năm 2020
Chia sẻ với PV, một chuyên gia về xăng dầu cho rằng, QBOGX là do người tiêu dùng đóng góp, được cấu thành trong giá bán. Khi quỹ dương, doanh nghiệp cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì doanh nghiệp bị lỗ thật, phải tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng vốn để bù vào mức được xả quỹ. “Việc cân nhắc xả quỹ với thời điểm, lưu lượng xả như thế nào là rất quan trọng trong công tác điều hành, vừa hài hòa các mục tiêu kinh tế của Chính phủ, người tiêu dùng và doanh nghiệp”, vị này nói.
Theo chuyên gia này, hiện Nhà máy Dung Quất đã có hơn 10 năm vận hành ổn định trong khi Nhà máy Nghi Sơn cũng sẽ vận hành ổn định vào khoảng cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Nguồn cung xăng dầu của 2 nhà máy này khi đó có thể đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Khi đó, giá xăng dầu trong nước có thể vận hành theo cơ chế thị trường và có thể xem xét QBOGX.
“Doanh nghiệp chúng tôi cũng mong thị trường xăng dầu vận hành theo thị trường 100%, bỏ QBOGX, cạnh tranh sòng phẳng. Khi giá thế giới tăng thì tăng, giá giảm thì giảm”, lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam nói.
Kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5
Cũng liên quan đến QBOGX và việc điều hành giá, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị nhiều chính sách liên quan tới xăng E5.
“Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh xăng E5, QBOGX của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các doanh nghiệp đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì QBOGX vẫn được đảm bảo. Điều này sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng E5”, đại diện Saigon Petro cho hay.Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp (ví dụ 500-1.000 đồng/lít), không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay bởi chênh lệch thuế bảo vệ môi trường theo cách tính đó chỉ 200 đồng/lít. Mục tiêu của giải pháp trên là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON 95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít. Đây là biện pháp cơ bản và lâu dài nên áp dụng. Ngoài ra, Saigon Petro cũng kiến nghị thống nhất các chính sách trích, sử dụng QBOGX giữa xăng khoáng và xăng E5.
Theo đại diện Saigon Petro, qua tham khảo nhiều đầu mối có hệ thống phối trộn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu xăng (bao gồm E5 và RON 95) ngày càng giảm, nhất là thời gian từ đầu năm 2019 trở lại đây. Riêng Saigon Petro, tỷ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 là 30,06%. Đến tháng 1/2019 giảm xuống còn 25,58% và tháng 3/2019 tiêu thụ giảm xuống còn 19,76%.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)