Phạm Nhật Vượng: Từ phá sản, nợ nần thời sinh viên đến người giàu nhất Việt Nam
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Cha ông là bộ đội, phục vụ trong lực lượng phòng không những năm chiến tranh. Những năm khó khăn thời bao cấp, mẹ ông mở quán nước chè vỉa hè để nuôi các con ăn học.
Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông không có mơ ước gì lớn lao, ngoài nguyện vọng muốn phụ giúp gia đình bớt khó khăn.
Chia sẻ trên báo chí, ông Vượng cho biết, ông bắt đầu khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ 3 đại học. Khi đó, ông thuê một phòng tại Moscow (Nga) để buôn bán nhưng càng buôn càng lỗ. Ông Vượng thừa nhận khi đó mình "buôn bán kém" và sau khi thua lỗ đã chuyển sang mở nhà hàng cũng tại Nga.
Một thời gian sau, ông Vượng quay lại với nghiệp buôn bán, nguồn hàng được nhập từ Việt Nam. Nắm được đặc thù nước Nga có khí hậu lạnh, ông Vượng quyết định buôn áo gió và nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền.
Thế nhưng, là một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Vượng không phản ứng kịp với thị trường. Hậu quả là ông đánh mất sạch những gì mình kiếm được và phá sản. Đến khi rời Moscow để tới Kharkov (Ukraine), ông vẫn gánh trên vai khoản nợ 40.000 USD.
Với số vốn ít ỏi vài nghìn USD vay từ bạn bè, ông Vượng quyết định mở một nhà hàng. Nhờ đồ ăn ngon, giá cả vừa phải, nhà hàng của ông Vượng nhanh chóng hút khách và nổi tiếng, giúp ông gây dựng lại những đồng vốn ban đầu.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, đời sống người dân Kharkov gặp khó khăn, ông Vượng nắm bắt cơ hội, chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới, là sản xuất mì ăn liền với thương hiệu Mivina. Sản phẩm này nhanh chóng được người dân Kharkov đón nhận và lan rộng.
Sau thành công này, ông Vượng sản xuất tiếp nhiều mặt hàng mới như khoai tây nghiền, gia vị, bao bì sản phẩm... và thành lập công ty Technocom.
Công ty này đã giải quyết công ăn việc làm cho 3.000 người lao động Kharkov, trở thành doanh nghiệp đóng thuế lớn của tỉnh và là nhà tài trợ thường xuyên cho các chương trình phúc lợi y tế, môi trường, văn hóa xã hội của thành phố.
Đầu những năm 2000, khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Vượng đã quyết định bán Technocom cho Nestle và trở về Việt Nam lập nghiệp.
Ông lập ra công ty Vincom hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với điểm nhấn là tòa tháp Vincom trên đường bà Triệu, Hà Nội. Công ty Vincom chính là tiền thân của Vingroup - tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.
Hiện nay, Vingroup còn "lấn" sang rất nhiều mảng kinh doanh khác như giáo dục, y tế, hàng không, thực phẩm, ôtô. Và ông Phạm Nhật Vượng đã trở thành tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam được thế giới ghi nhận. Ông cũng là người giàu nhất Việt Nam hiện nay.
Trịnh Văn Quyết: Từ sinh viên nghèo không có xe đạp đến ông chủ hàng không Bamboo Airways
Sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Phúc, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Trịnh Văn Quyết vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và nuôi ước mơ vào đại học.
Sau 2 năm làm thợ sửa chữa, tuy chỉ tranh thủ học vào buổi tối nhưng đến hè năm 1996, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc liền lúc nhận giấy báo trúng tuyển vào 3 trường đại học. Ông quyết định chọn Đại học Luật Hà Nội để theo học.
Hoàn cảnh khi ấy khó khăn tới mức ông Quyết từng chia sẻ: "Khi còn là sinh viên, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một chiếc xe đạp".
Trong thời gian theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội, ông Quyết lập văn phòng gia sư, một trong những trung tâm gia sư đầu tiên tại Hà Nội với đội ngũ gia sư lên đến cả nghìn sinh viên.Trong thời gian đó, ông còn gia nhập nghành nghề kinh doanh điện thoại cũ, đồ gỗ và tivi gặt hái được những thành công nhất định.
Sau khi ra trường ông mở công ty tư vấn đầu tư, rồi văn phòng luật sư.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất với ông Quyết có lẽ là năm 2008, thời điểm ông thành lập Công ty Trường Phú Fortune - nền tảng của tập đoàn FLC bây giờ - lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán với CTCP chứng khoán FLCS.
Năm 2009, việc khởi công tòa nhà FLC Landmark Tower đã đưa ông trở thành ngôi sao mới nổi trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Năm 2010 các lĩnh vực thu về một mối, Trường Phú Fortune chuyển thành tập đoàn FLC và ghi dấu ấn mạnh với việc khởi công khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn trên khu đầm lầy nước mặn rộng 200ha.
Mới đây nhất, FLC của ông Quyết còn ghi dấu khi thành lập hãng hàng không Tre Việt (BamBoo Airways) với số vốn 700 tỷ đồng.
Khởi nghiệp từ tay trắng, song đến hiện tại, ông Quyết từng có nhiều năm nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là một trong 5 luật sư được vinh danh trong chương trình hãng luật và luật sư tiêu biểu.
Bầu Đức: 10 năm chăn trâu, kéo cày, 4 lần trượt đại học
Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ ông tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học.
Công việc hàng ngày của ông Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, ông chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát khỏi cuộc sống bần hàn.
Năm 1982, ông vào TP.HCM thi đại học. Nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.
22 tuổi, không tiền, không nghề nghiệp nhưng nuôi khát vọng làm giàu, ông Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng.
Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.
Ông tự tay làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.
Tuy nhiên, tên tuổi ông Đức còn gắn với nền thể thao nước nhà. Chính sự dốc sức, dốc tiền của ông vào các đội bóng, cũng như sự nghiệp thể thao Việt Nam đã làm nên cái tên "bầu Đức" nổi tiếng.
Đến thời điểm này, ai cũng ghi nhận sự đóng góp lớn lao của ông cho bóng đá Việt Nam khi ông là một trong những doanh nhân trăn trở nhất cho lĩnh vực này.
“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bẻ ngô, nuôi lợn, bỏ trường y để gắn với cà phê
Người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hòa, trong một gia đình nông dân nghèo.
Tuổi thơ đi học của ông “vua” cà phê Việt là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch. Tuy nhiên, là một học sinh giỏi, năm 1990, dù nghèo nhưng ông Vũ vẫn thi đỗ Đại học Y Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa làm thêm kiếm sống
Khi đang học năm thứ ba, chợt nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, ông bỏ học và tìm đến với cà phê. Năm 1996, cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, ông Vũ lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên".
Ban đầu, đây chỉ là một cơ sở vài m2 với chiếc máy rang thủ công cũ kỹ. Quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột này nhận giao cà phê rang xay cho các quán khác.
Năm 1998, Trung Nguyên được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.
Tuy rất thành công với Tập đoàn Trung Nguyên nhưng ông Vũ vẫn luôn nuôi dưỡng hoài bão đưa vị thế cà phê Việt Nam ra tầm thế giới.
Theo Quốc Nam (VTC.vn)