Mới đây, Forbes đã công bố danh sách 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên thế giới trong năm 2019. Đáng chú ý là trong đó có sự góp mặt của 4 công ty Việt Nam là Vietcombank, BIDV, Vingroup (VIC) và VietinBank.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiến thêm 245 bậc
Xét về thứ bậc của các công ty Việt Nam trong bảng xếp hạng, dẫn đầu là Vietcombank với vị trí thứ 1.096. Kế đó là BIDV ở vị trí 1.716, Vingroup ở vị trí 1.747 và cuối cùng là VietinBank ở vị trí 1.769.
Với kết quả này, Vietcombank vẫn là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam và tăng 198 bậc so với năm ngoái trong bảng xếp hạng. Vingroup cũng tăng 245 bậc trong năm nay, giá trị thị trường của tập đoàn này lên trên 14,1 nghìn USD. Trong khi đó, BIDV giảm 2 bậc và VietinBank giảm 50 bậc so với năm ngoái.
Trong 10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2019, có 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp lọt vào Global 2000 lớn nhất.
Forbes tính toán thứ hạng cho các công ty dựa trên tổng điểm của doanh thu, lợi nhuận, tài sản và vốn hóa thị trường. Sau một năm đầy biến động và có sự chuyển dịch về quyền lực quốc tế, 2.000 công ty nằm trong bảng xếp hạng của Forbes được xem là yếu tố chính định hình nền kinh tế toàn cầu ngày nay.
Đây là năm thứ 17 liên tiếp Forbes đưa ra danh sách Global 2000 (2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới). Các công ty này tạo ra doanh thu hàng năm hơn 40.000 tỷ USD và chiếm 186.000 tỷ USD trong tổng tài sản toàn cầu.
Vingroup đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ năm 2019
Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), Vingroup đã trình kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng, cao hơn 15% so với năm trước. Với kế hoạch này, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu về hơn 380 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 6.500 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2018.
Đồng thời, Vingroup sẽ tiếp tục triển khai mô hình P&L (báo cáo lãi lỗ) tại các công ty con trong năm 2019. Chưa kể, tập đoàn này sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước, kiểm soát việc đầu tư mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn.
Trong năm 2018, doanh thu thuần của Vingroup đạt 121.894 tỷ đồng, tăng 32.544 tỷ đồng (tương đương 36%) so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của Vingroup năm 2018 tăng trưởng 9% từ 5.655 tỷ đồng năm 2017 lên mức 6.191 tỷ đồng năm 2018.
Kết thúc quý I vừa qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt doanh thu 21.914 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận đạt khoảng 1.009 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Mới đây, Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa công bố thông tin đã hoàn tất phân phối 250 triệu cổ phiếu đăng ký chào bán cho SK Investment - một đơn vị thuộc Tập đoàn SK của Hàn Quốc.
Cụ thể, SK Investment sẽ nắm 154,3 triệu cổ phiếu VIC và 51,4 triệu cổ phiếu VIC nhận chuyển nhượng từ Vincommerce. Tổng cộng, SK sẽ sở hữu 6,15% vốn điều lệ của Vingroup.
Giá chào bán cho SK là 113.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị đợt phát hành ở mức hơn 14.437 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí 372 tỷ đồng, VIC đã thu về khoảng 17.065 tỷ đồng
Cổ phần được chào bán cho SK sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng theo quyết định của tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vingroup đã tăng lên gần 34.300 tỷ đồng.
Được biết, SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ. Chủ tịch sáng lập của SK là ông Chey Jong-Gun, người đã khôi phục lại các tòa nhà dệt may Sunkyong bị phá hủy và quyết định thành lập một công ty dệt Sunkyong hoàn toàn mới.
Trải qua gần 70 năm, Sunkyong trỗi dậy thành SK Group (còn được gọi là SK Holdings) - một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc với 111 công ty con và công ty liên kết.
Trước đó, tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc này từng "úp mở" chuyện rót vốn vào VinGroup. Tập đoàn này có kinh nghiệm ở các lĩnh vực như công nghệ, viễn thông, điện tử, năng lương, dịch vụ, đây đều là những lĩnh vực tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đẩy mạnh phát triển.
Năm ngoái, SK Group cũng đã đầu tư 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan của ông Nguyễn Đăng Quang thông báo bán, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan.
Theo Huyền Anh (VietNamNet)