Luật về "đặc khu kinh tế”
Một trong những dự thảo Luật gây tranh cãi gây gắt nhất trong năm 2018 chính là dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trong đó, 3 khu vực được dự kiến thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Nội dung gây “nóng” nhất tại dự thảo Luật này liên quan đến quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về thời hạn thuê đất.
Trước nhiều quan điểm trái chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi việc thông qua Dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Sau phút 89 tạm lùi thông qua, đến nay dự thảo Luật Đặc khu tiếp tục được lùi lại.
Đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng
Tháng 4/2018, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính muốn đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng với mức thuế từ 0,3-0,4%. Còn nhà có giá trị dưới 700 triệu đồng không bị đánh thuế.
Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Ngay khi đề xuất này được đưa ra, dư luận đã phản ứng dữ dội, hầu hết là không đồng tình với phương án đánh thuế nhà Bộ Tài chính đưa ra. Các ý kiến phản đối cho rằng mức đánh thuế đó là chưa phù hợp và “tận thu”.
Vì thế, Bộ Tài chính đã phải kéo dài thêm thời gian xây dựng dự thảo Luật Thuế tài sản để nghiên cứu phương án phù hợp.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên “kịch trần”
Chiều 20/9/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, kể từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành.
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những lý do tăng thuế là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản hiện đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đã làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
Từ khi đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch khung, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn vì tác động mạnh lên giá xăng dầu trong nước.
Tiếp tục tranh cãi về Nghị định 116 nhập khẩu ô tô
Theo quy định tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam sẽ phải thực hiện kiểm định theo lô và phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Đây là các thủ tục khiến các DN gặp khó trong suốt thời gian dài vừa qua. Ví dụ, các nhà nhập khẩu không thể có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe hơi do nhiều nước không cấp loại giấy này. Điều này đồng nghĩa không thể nhập khẩu ô tô khiến ô tô nhập khẩu khan hiếm, giá tăng cao.
Vì thế, dù thuế nhập khẩu ô tô đã về 0% từ đầu năm 2018 nhưng thực tế giá xe lại không có dấu hiệu giảm so với 2017, thậm chí có chiều hướng tăng lên do “khan hàng”.
Quy định này khiến các hãng xe ngoại không đồng tình và liên tục kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên, các hãng ô tô lắp ráp trong nước lại tỏ ra vui mừng vì sức ép của xe nhập với xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm bớt phần nào.
Khống chế trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế
Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết với mục tiêu chống chuyển giá. Nghị định 20 có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017 nhằm tránh thất thu thuế.
Trong đó, nội dung gây nhiều tranh cãi về khống chế chi phí lãi vay theo hướng “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Có nghĩa, doanh nghiệp A hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều tính toán cho thấy, nếu “khống chế” chi phí lãi vay được trừ chỉ 20%, nhiều doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.
Nghị định 20 là một nỗ lực đáng kể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng như của Chính phủ trong việc chống chuyển giá. Bởi có tình trạng công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay một khoản vốn rất lớn, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, và đơn vị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc lỗ nhiều năm và lỗ lớn, không nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hơn 1 năm áp dụng, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước lại cũng bị ảnh hưởng bởi quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế của Nghị định 20. Chính vì thế, hàng loạt DNNN, tập đoàn kinh tế lớn đã đề nghị sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn.
Tranh cãi pháp lý về Condotel (căn hộ khách sạn)
Thời gian qua, condotel đã gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý cũng như cam kết đầu tư. Các năm qua, đã có vài địa phương "xé rào", cấp "sổ đỏ ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở" cho người mua căn hộ condotel. Các chủ đầu tư dự án condotel đã đạt được lợi nhuận rất lớn, do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ cao cấp, trong lúc giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.
Có ý kiến cho rằng việc làm của các địa phương này là trái với quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Bởi Luật Đất đai hiện hành không có quy định cấp "sổ đỏ" ổn định lâu dài mà chỉ quy định cấp "sổ đỏ" có thời hạn cho người mua condotel.
Trong thời gian chờ Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về quản lý condotel, một số địa phương đã tạm dừng chấp thuận dự án condotel để tránh những tranh chấp.
Theo PV (VietNamNet)