Phường Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có diện tích chỉ 7ha, đây là phường nhỏ nhất Việt Nam. Trên địa bàn phường Hàng Đào có các phố như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và một phần các phố Hàng Cá, Hàng Cân, Chả Cá,... Là một trong những khu vực thuộc phố cổ Hà Nội, nơi được mệnh danh là “tuyến phố kim cương” nên giá nhà đất luôn neo cao chót vót, thậm chí lên tới cả tỷ đồng/m2.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại phố Hàng Đào nhiều căn nhà được rao bán với mức giá quanh 1 tỷ đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà có diện tích 58m2 đang được rao bán với giá 55 tỷ đồng, tương đương gần 950 triệu đồng/m2. Thậm chí, khách sạn tại khu vực này này được rao bán trên 1 tỷ đồng/m2. Một căn khách sạn trên mặt phố Hàng Đào có diện tích 320m2 đang được rao bán với mức giá 500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,55 tỷ đồng/m2.
Tại phố Hàng Ngang, giá nhà phố đang được rao bán với giá từ 950 triệu đồng. Một căn nhà có diện tích 70m2 đang được rao bán với giá 67 tỷ đồng, tương đương gần 960 triệu đồng/m2. Theo chủ nhà, do đang cần tiền gấp nên họ chấp nhận rao bán với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 5%. “Đây là mức giá hữu nghị nhất khu phố này. Hiện căn nhà đang được cho thuê với mức giá 120 triệu đồng/tháng, thời hạn tới 2025”, người bán nói.
Tại phố Hàng Đường, giá nhà phố được rao bán phổ biến từ 800 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện những căn nhà có giá 1 tỷ đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà có diện tích 50m2 đang được rao bán với giá 50 tỷ đồng đồng. Người bán cho biết: “Căn nhà này hiện đã được xây dựng 5 tầng, khu vực được kinh doanh ngày đêm nên tiềm năng sinh lời rất lớn”.
Ngoài ra, tại các phố Hàng Cá, Hàng Cân, Chả Cá,... đoạn thuộc địa phận phường Hàng Đào đang được rao bán với mức giá phổ biến từ 900 triệu đồng/m2.
Theo anh Nguyễn Quang Bằng, môi giới tại khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thực tế khu vực phố cổ nói chung và phường Hàng Đào nói riêng đa phần mua để làm khách sạn hoặc cho thuê kinh doanh nhưng đặc thù để phục vụ khách du lịch nước ngoài tới.
“Thực tế, những người mua nhà tại khu vực này đều không có nhu cầu ở thực mà để cho thuê lại và tính giá trị lâu dài, thậm chí để sở hữu những vị trí đắc địa. Hơn nữa, đất tại khu vực phố cổ cực kỳ hạn chế và mang đậm nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử. Do đó, mức giá ở phố cổ luôn neo cao”, anh Bằng nói.
Song, anh Bằng cũng tiết lộ, từ khi dịch bệnh xảy ra tới nay, tình hình cho thuê kinh doanh bị ảnh hưởng nên lượng nhà đất rao bán tại khu vực này tăng cao. Đồng thời, rất khó để biết những căn nhà nào đang được rao bán, bởi những căn nhà có giá trị cao sẽ được âm thầm giao dịch và tệp khách hàng của phân khúc này không phải đại trà. Bên cạnh đó, nhiều lý do được chủ nhà đưa ra như cần tiền để đầu tư mảng khác, cần tiền trả ngân hàng,...
“Thực tế, để mua một căn nhà phố tại các tuyến phố cổ đa phần phải sử dụng đòn bẩy tài chính. Song, lãi suất hiện nay vẫn neo cao, cùng đó tình hình cho thuê kinh doanh vẫn chưa sôi động như trước dịch nên thanh khoản khó khăn”, người này tiết lộ.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết: “Lượng giao dịch những căn nhà giá trị vài chục đến trăm tỷ đồng không nhiều nhưng nhu cầu vẫn luôn hiện hữu. Đồng thời, kinh tế đang gặp khó khăn nên thanh khoản cũng bị ảnh hưởng.
Hiện nay thị trường chững lại, các bất động sản giá trị rất cao vẫn được rao bán nên trở thành hiện tượng đặc biệt. Những người mua ở phân khúc này thường chỉ muốn chiếm lĩnh những vị trí hiếm, đắc địa và có hạ tầng tốt. Còn nếu đầu tư để cho thuê trong bối cảnh hiện tại thì lợi nhuận không bằng lãi suất gửi ngân hàng”.
Theo Tâm Nguyên (Nhịp sống Thị trường)