Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg Television ngày 19/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tăng trưởng GDP trong năm nay có thể tương đương mức 6,8% năm 2017, tức cao hơn mục tiêu 6,7% Chính phủ đề ra, dù có rủi ro từ việc bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt như củng cố khu vực ngân hàng - tài chính, hạ lãi suất, tăng chi tiêu cho xây dựng hạ tầng, nông nghiệp và các ngành dịch vụ như du lịch.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối phó với nhiều rủi ro và thách thức, nhưng thách thức lớn nhất là Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh hơn nhưng theo cách bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, Phó thủ tướng cho biết.
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD, gấp gần 2 lần quy mô GDP. Dó đó, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động từ những bất ổn trên toàn cầu, vốn có thể có tác động trực tiếp đến Việt Nam về thương mại, đầu tư và tiền tệ, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Sẽ cổ phần hóa, thoái vốn tại 245 doanh nghiệp trong năm nay
Chính phủ Việt Nam đang muốn đẩy mạnh việc bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để tăng thu ngân sách và giảm gánh nặng tài khóa, đồng thời tìm các giải pháp để vượt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, Bloomberg đưa tin.
Bloomberg dẫn một báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC cho rằng, dù tăng trưởng GDP đạt 6,8% trong năm ngoái, nhưng nợ công cao đang kìm hãm Chính phủ Việt Nam tăng chi ngân sách. Nợ công có thể chạm trần 65% GDP vào năm sau, và khiến Việt Nam trở thành quốc gia đối mặt với áp lực củng cố tài khóa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Thế giới ước tính nợ công của Việt Nam có thể đạt 64,2% GDP vào năm 2019 so với 62,6% trong năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết lượng cổ phiếu Chính phủ Việt Nam dự kiến thoái trong năm nay gấp 6,5 lần năm ngoái và giá trị gấp 10 lần. Các doanh nghiệp dự kiến được thoái vốn thuộc các lĩnh vực bao gồm năng lượng, điện và dầu khí.
Chính phủ dự kiến thoái vốn tại 245 doanh nghiệp trong năm nay, trong đó có 4 doanh nghiệp dự kiến sẽ được thoái trong quý I, bao gồm: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power và Habeco.
Trong năm ngoái, Việt Nam đã thu về khoảng 135,600 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, từ việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp. Trong số đó, Chính phủ đã bán 53,59% cổ phần tại Sabeco cho Thai Bev và thu về 4,8 tỷ USD.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam muốn thu hút thêm vốn nước ngoài, nhưng cũng muốn thu hút các nhà đầu tư có năng lực và tài chính và kinh nghiệm để có thể giúp các công ty Việt tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính phủ đang nghiên cứu cho phép nước ngoài tăng sở hữu tại một số lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng.
Theo Anh Minh (Bizlive.vn)