Đây là kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
Cụ thể, kết quả kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, lượng công chức, viên chức, hợp đồng lao động thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người.
Trong số này, cơ quan hành chính của 37 địa phương và 1 Bộ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) có lượng người lao động vượt Bộ Nội vụ giao là 15.156 người. Lượng công chức, viên chức, lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập của 23 địa phương vượt số lượng Hội đồng Nhân dân giao tới 29.511 người.
Còn lại, 16 địa phương có số biên chế viên chức vượt định mức quy định 18.612 người. Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng biên chế viên chức vượt quy định lớn nhất, tới 14.258 người. Ngoài ra, một số tỉnh khác như Cần Thơ 51 người; tỉnh Phú Yên 426 người; Ninh Bình 14 người,…
Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao đã làm tăng chi ngân sách 859 tỷ đồng.
Trong khi quỹ lương phải gánh cả trăm tỷ đồng cho số lượng người trên thì hướng ngược lại, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, việc tinh giản biên chế tại các nơi còn chậm.
Năm 2016 chỉ có 9/47 địa phương thực hiện tinh giản biên chế nhưng chưa đảm bảo mức tinh giản tối thiểu 10% so với biên chế giao.
Đáng chú ý, cũng theo báo cáo, tình trạng cấp phó vượt quy định khá phổ biến. Thống kê cho thấy, có 12 địa phương và 1 Bộ (Bộ Công Thương) có số lượng cấp phó vượt quy định của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ./.
Theo Nguyên Khôi (Dân Việt)